“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

10/04/2008 00:54 GMT+7

Kỳ 2: Thân với Lansdale được lợi gì? "Tốt lắm, anh muốn sang Mỹ học về quân sự hay về dân sự đều được cả. Tôi hoàn toàn ủng hộ", Lansdale nói với Phạm Xuân Ẩn.

Tướng tình báo Mỹ Edward Geary Lansdale (1908-1987) là chuyên gia lật đổ và chống nổi dậy "thượng thặng" của CIA. Từng là chuyên viên quảng cáo thương mại trước khi vào quân đội phục vụ trong cơ quan tình báo OSS của Mỹ, chuyên về chiến tranh tâm lý từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, sau đó từng đến Philippines tổ chức đánh bại phong trào du kích và "dựng lên" Tổng thống Ramon Magsaysay, Lansdale được Stanley Karnow mô tả (trong sách Vietnam, a history) là người "sử dụng đòn chiến tranh tâm lý tương tự như những mánh lới quảng cáo". Cựu Giám đốc CIA Colby ca ngợi Lansdale là "một trong những nhà tình báo lớn nhất trong lịch sử", "là chất liệu của những huyền thoại". Có lẽ vì vậy mà sau này Lansdale trở thành nguyên mẫu của các nhân vật: Alden Pyle trong cuốn sách nổi tiếng The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) của Graham Greene, đại tá Edwin Hillendale trong cuốn The Ugly American (Người Mỹ xấu xí) của Willam Lederer và Eugene Burdick...

Lansdale bí ẩn đến mức cả Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk (thời Kenedy) chỉ biết bộ mặt thật khi đích thân Tổng thống Kenedy giao cho Landsdale thực hiện kế hoạch Mongoose, một kế hoạch ám sát Fidel Castro vào năm 1961. Và mãi cho đến năm 1971 công chúng mới biết hành tung của ông ta khi tài liệu mật Lầu năm góc về chiến tranh Việt Nam bị đưa lên báo chí.

Lansdale được coi là "kiến trúc sư" của chế độ Ngô Đình Diệm. Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1953 trong phái đoàn của tướng O'Daniel, và vào khoảng giữa năm 1954, Lansdale được Giám đốc CIA Allen Dulles chính thức cử đến Việt Nam để làm "như đã làm ở Philippines". Nói một cách tóm tắt, nhiệm vụ của Lansdale là tổ chức đánh phá, làm suy yếu miền Bắc và thiết lập, tăng sức mạnh cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Lansdale đã tiếp xúc với Ngô Đình Diệm từ trước và chỉ 3 tuần sau khi đến Sài Gòn, Ngô Đình Diệm (lúc này là Thủ tướng) mời ông ta vào ở hẳn với mình, tất nhiên Lansdale từ chối vì bất tiện. Lansdale đến Việt Nam với tư cách là tùy viên Không quân trong Phái bộ viện trợ và cố vấn quân sự (MAAG), nhưng CIA lập ra một cơ quan tình báo hỗn hợp mang tên Saigon Military Misson (SMM) do Lansdale phụ trách. Về danh nghĩa, tất cả các chuyên viên quân sự Mỹ đều thuộc MAAG, nhưng SMM chỉ nhận nhiệm vụ và báo cáo trực tiếp với giám đốc CIA tại Mỹ. Cả Chỉ huy trưởng MAAG lẫn Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đều không biết và không có quyền chỉ đạo các hoạt động của SMM, dưới quyền họ có một nhóm CIA khác.

Các quyết sách của chính quyền Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn lúc này chủ yếu xuất phát từ những nhận định và kiến nghị của Lansdale. Lansdale đã giúp Ngô Đình Diệm tạo dựng và củng cố thế đứng, là cố vấn cho chính Ngô Đình Diệm. Ông ta "bóp chết" cuộc nổi loạn của tướng Nguyễn Văn Hinh, dẹp tan quân đội của các giáo phái bằng cách vừa chi tiền mua chuộc vừa tổ chức tấn công.

Lansdale là kẻ chủ mưu chính trong cuộc di cư ồ ạt của gần một triệu người từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Genève. "Cộng đồng Công giáo tháo chạy, đi đầu là các linh mục. Số khác là những người thuộc các phe phái chống đối Việt Minh. Mỹ và Pháp cung cấp tàu và máy bay cho họ. Những người di cư từ miền Bắc vào sẽ là những cử tri chống cộng quyết liệt của Diệm tại miền Nam, do đó cuộc di cư có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị (đối với Diệm). Lansdale đã cổ vũ, động viên tinh thần những người Công giáo bằng cách cho lan truyền những khẩu hiệu như "Đức Mẹ Maria đang đi về phía Nam". Nhưng còn có tác động khác của ông ta nữa, như sau này Lansdale giải thích với tôi: Người ta không bao giờ nhổ rễ rồi trồng lại chỉ vì những khẩu hiệu. Họ thực sự sợ những gì có thể xảy ra với họ. Cảm xúc ấy một khi đủ mạnh có thể vượt qua những sợi dây liên kết với quê hương, tổ quốc và cả mồ mả ông cha. Vì vậy họ chủ động. Chúng tôi chủ yếu hỗ trợ việc di chuyển" (Stanley Karnow, sách đã dẫn).

Tướng tình báo Mỹ Edward Geary Lansdale

Lansdale là người như thế đó. Cho nên trở thành thân thiết với Lansdale có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong bước ngoặt hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn.
Lúc này cấp trên xét thấy, ở vị trí sĩ quan liên lạc, tuy Phạm Xuân Ẩn cung cấp được các tin tức về cải tổ quân đội và kế hoạch huấn luyện quân sự, việc này phục vụ "có chừng mức nhất định" cho cấp trên, nhưng về chiến lược thì cần phải đi sâu hơn mới đạt yêu cầu. Ông Mười Hương, Cục phó Cục Tình báo chiến lược được cử vào Nam năm 1952 và ở lại miền Nam sau Hiệp định Genève, lúc này là người phụ trách Phạm Xuân Ẩn. Ông Mười Hương phân tích tình hình, phổ biến chủ trương và quyết định cho Phạm Xuân Ẩn bỏ vị trí cũ để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài. Quan hệ rất tốt giữa Phạm Xuân Ẩn với người Mỹ lúc này đúng là thời cơ cần tận dụng: tìm cách sang Mỹ học.

Ông đến gặp Lansdale, đề đạt nguyện vọng muốn được sang Mỹ học tập. Sẵn lòng quý mến chàng trai đầy ấn tượng này, Lansdale vui vẻ nói: "Tốt lắm, anh muốn sang Mỹ học về quân sự hay về dân sự đều được cả. Tôi hoàn toàn ủng hộ". Lansdale liền giới thiệu Phạm Xuân Ẩn với tiến sĩ Elon E.Hildreth, Trưởng phòng giáo dục Cơ quan Viện trợ Mỹ (USOM, sau gọi là USAID). Hildreth gợi ý Phạm Xuân Ẩn nên đi học với tư cách là dân sự hơn là quân nhân. Ông đề nghị được đi học chính trị học, môn phụ là báo chí. Hildreth chấp nhận và lo thủ tục xin cho Phạm Xuân Ẩn một học bổng để học ở Đại học Columbia.

Ông Ẩn gặp tướng Trần Văn Đôn nói nguyện vọng và xin được giải ngũ. Tướng Đôn đặt điều kiện là ông Ẩn phải tìm giới thiệu một người có đủ năng lực để thay thế và người đó phải được người Mỹ chấp nhận. Phải mất hơn 3 tháng ông mới thuyết phục được trung úy Thường làm ở Bộ Tổng tham mưu chịu thay thế cho ông. Sau đó ông phải nhờ Lansdale can thiệp mới nhận được lệnh giải ngũ vào tháng 2.1957.

Nhưng lại gặp rắc rối. Hildreth cho ông Ẩn biết hồ sơ của ông đưa qua Hội đồng du học không được chấp nhận với hai lý do: Một, Phạm Xuân Ẩn chưa có văn bằng tú tài. Hai, phải chọn một ngành mà Đại học ở Sài Gòn chưa có. Vì vậy, ông phải đề nghị xin đi học tự túc và học ngành báo chí. Người ta chấp nhận nguyện vọng này và yêu cầu sát hạch Anh văn, mặc dù trước đó ông đã được USOM đưa qua Hội Việt-Mỹ kiểm tra Anh văn rồi. Chính Huỳnh Văn Điểm, Tổng giám đốc kế hoạch của chính quyền Ngô Đình Diệm kiểm tra. Tiếng Anh ông trôi chảy. Nhưng cuối cùng Huỳnh Văn Điểm vẫn phê một câu trong hồ sơ: "Ngành báo chí chưa cần thiết cho quốc gia". Và hồ sơ được xếp sang một bên.

Lúc này Lansdale đã về Mỹ chưa sang lại. Ông phải chạy đến gặp tùy viên quân lực Mỹ, đại tá Woodburry, để nhờ can thiệp. Woodburry là bạn thân của Lansdale nên cũng quý mến ông Ẩn. Woodburry giao cho đại úy Jack Horner đến gặp Bùi Quang n, đổng lý văn phòng của Bộ trưởng Bùi Hữu Châu tại Phủ Tổng thống (ông Châu là anh rể của Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu) để yêu cầu giúp đỡ. Khi nghe ông n trình bày, ông Châu ký ngay giấy tờ cho Phạm Xuân Ẩn đi học, với phương thức tự túc. Hildreth nói với ông Ẩn: "Lẽ ra anh được học bổng, nhưng vì khó khăn nội bộ". Sau đó Horner còn đưa Phạm Xuân Ẩn đến gặp tiến sĩ Parker, Giám đốc Cơ quan văn hóa Á Châu, để xin học bổng tư nhân. Parker ủng hộ nhưng ngại làm mất mặt Huỳnh Văn Điểm và Hội đồng du học, nên khuyên ông Ẩn "cứ đi học đi, rồi sẽ giải quyết sau".

Và Phạm Xuân Ẩn đã đến học báo chí tại trường Orange Coast (California) vào năm 1957. Nếu không tạo được mối quan hệ thân tình với một người có thế lực như Lansdale, việc đi học này khó có thể diễn ra...

(còn tiếp)

Kỳ 1: Sự lợi hại của tiếng Anh

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.