Giải mã sức mạnh thật sự của AMD Ryzen

19/03/2017 18:19 GMT+7

AMD Ryzen 1700x là CPU có giá thành và hiệu năng dung hòa nhất trong thế hệ Ryzen 7, và do đó, cũng là sản phẩm được rất nhiều game thủ phổ thông quan tâm. Trong bài viết này, Thanh Game Niên sẽ trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu sức mạnh thật sự của Ryzen 1700x.

AMD Ryzen 1700x sẽ được bán ra với mức giá dự kiến xấp xỉ 11 triệu đồng, thấp hơn 4-5 triệu đồng so với CPU cao cấp nhất trong dòng Ryzen – 1800x. Thấp hơn một vài trăm MHz, hiệu năng thấp hơn một chút, nhưng với khả năng ép xung, nhiệt độ và điện năng tiêu thụ thấp, hãy xem thử liệu 1700x có chiếm được lòng tin đã mất từ tay người hâm mộ công nghệ máy tính nói chung và AMD nói riêng hay không.
Trong bộ 3 Ryzen 7, 1700x là phiên bản dung hòa nhất
  • Ưu điểm: Hoạt động đa luồng ấn tượng; hiệu năng vượt trội so với CPU ngang giá thành Core i7-6800K trong các tác vụ đa nhiệm; tự động ép xung lên mức 3.9GHz; có thể ép xung lên ngang tốc độ và hiệu năng với 1800x; tản nhiệt tốt; mở khóa hệ số nhân; giá thành tổng thể thấp.
  • Nhược điểm: Hiệu năng game ở tốc độ quét cao không cạnh tranh được với Core i7-6800K và i7-7700K (không tính GPU); giới hạn về tốc độ bộ nhớ - khó đạt được mức 3,2GHz; ít làn PCI-E và băng thông bộ nhớ kênh đôi thấp hơn Core i7-6800K.
  • Nhận xét: AMD Ryzen 7 1700x là một lựa chọn đáng giá nếu người dùng hướng đến các tác vụ đa nhiệm nặng như xử lý, biên tập video, hình ảnh. Mặc dù vẫn chưa thể cạnh tranh với Intel ở mảng game nhưng trong tương lai, khi các tựa game hỗ trợ hoạt động đa luồng tốt hơn, câu chuyện có thể sẽ thay đổi.

Tổng quan về 1700x

Đã khá lâu rồi AMD mới có một bộ vi xử lý có thể cạnh tranh sòng phẳng được trên thị trường. Đối với những người dùng muốn tận dụng tối đa hiệu năng của xung nhịp, giá thành sẽ rất cao, nếu không muốn nói là khó chấp nhận được với người dùng phổ thông. Tuy nhiên, những người dùng kinh nghiệm sẽ tìm đến các lựa chọn giá thấp, và rồi tùy biến BIOS để có hiệu năng và tốc độ xung nhịp tương đương với các bộ vi xử lý cao cấp hơn. Đó là ưu điểm của việc mở khóa hệ số nhân.
Tiếp nối truyền thống đó, AMD Ryzen 7 1700x là một lựa chọn tốt cho người dùng muốn sở hữu các bộ vi xử lý nhiều nhân, đa luồng (8 nhân, 16 luồng) mà không thâm hụt ngân sách. 1700x được trang bị bộ xử lý đa luồng Simultaneous Multi-Threading (SMT) tương tự với Hyper-Threading của Intel. Mức xung nhịp cơ bản của 1700x là 3,4GHz và khi bật chế độ Precision Boost, bộ vi xử lý có thể đạt được mức xung 3,8GHz với các điều kiện hoạt động nhất định (thường là có ít hơn 2 nhân hoạt động). Trong quá trình thử nghiệm, phần lớn thời gian bộ vi xử lý hoạt động ở tốc độ 3,5GHz với tất cả các nhân. Ở một chế độ khác, công nghệ SenseMI của AMD – XFR – có thể ép xung một nhân của 1700x lên tốc độ 3,9GHz, nếu được cung cấp đủ nguồn và tản nhiệt hiệu quả.

Ép xung

Ép xung Ryzen 7 1700x cũng tương tự như quy trình trên 1800x. Các thiết lập quan trọng nhất trong quá trình ép xung gồm có VCore, cân bằng tải, và hiệu điện thế của SoC để hỗ trợ cho việc hoạt động ổn định khi sử dụng các cặp RAM có tốc độ cao. Nếu bo mạch chủ của bạn có lựa chọn điều chỉnh hiệu điện thế trong giao diện UEFI – đáng tiếc là bo mạch chủ được sử dụng trong quá trình thử nghiệm Asus Crosshair VI Hero không có – việc đẩy hiệu điện thế của cầu Bắc (NB) lên khoảng 1,1 đến 1,15V có thể tăng độ ổn định.
Hiệu điện thế mặc định để cân chỉnh bằng tay bắt đầu rơi vào khoảng 1,3625V. Người dùng có thể ép xung với mức hiệu điện thế 1,4V nếu sử dụng tản nhiệt khí tốt, và 1,45V nếu sử dụng các tản nhiệt khí cao cấp hoặc tản nhiệt nước. Tuy nhiên, ở mức 1,45V, AMD cho biết tuổi thọ của các bộ vi xử lý có thể sẽ bị giảm bớt. Nhìn chung, với một số mẹo thiết lập hệ thống, người dùng hoàn toàn có thể đẩy mức xung nhịp lên mức 3,7GHz ổn định.
Thiết lập ép xung thử nghiệm lên mức 4GHz và benchmark Cinebench ổn định trên bo mạch chủ Asus Crosshair VI Hero như sau: VCore 1,412V; SOC 1,25V; Level 2 LLC; DDR4-3.200MHz với thiết lập 14-14-14-34 ở 1,35V.
Nhìn chung, Ryzen 7 1700x hoạt động ổn định ở mức 4GHz với hiệu điện thế rơi vào khoảng 1,395V và 1,412V và sống sót được bài benchmark Cinebench, Handbrake và thử nghiệm trong thời gian ngắn ở Prime 95.
Khi sử dụng bộ vi xử lý ở tốc độ mặc định và ép xung lên 4GHz với bo mạch chủ Asus Crosshair VI Hero, hệ thống có thể hoạt động ổn định với RAM DDR4 kênh đôi đạt mức xung nhịp là 3.200MHz.

Benchmark

Hệ thống thử nghiệm:

  • Bộ vi xử lý: AMD Ryzen 7 1700x
  • Bo mạch chủ: Asus Crosshair VI Hero
  • RAM: G.Skill RIPJaws 8GBx2
  • Tản nhiệt: AMD Wraith
  • Nguồn: Cooler Master MasterLite 700W
  • Ổ cứng: Intel 730 SSD 480GB và WD Black 2TB
Cinebench:
Trong bài thừ nghiệm này, Ryzen 7 1700x lần lượt đạt được các kết quả xử lý đa luồng ở tốc độ mặc định (3,4GHz) và ép xung (4GHz) là 1.483 và 1.751, vượt khá xa so với điểm số Core i7-6800K mặc định (3,2GHz) là 1.137.
Tuy nhiên, trong bài thử nghiệm đơn nhân của Cinebench, 1700x mặc định chỉ nhỉnh hơn hoàn toàn không đáng kể so với 6800K – 154 so với 152.
Handbrake:
Ở bài thử nghiệm Handbrake, với 8 nhân 16 luồng và tốc độ xung nhịp cao, Ryzen 7 1700x có kết quả khá tốt. Kết quả ở bài thử nghiệm này của bộ vi xử lý AMD là 61,7 khung hình/giây ở mức xung mặc định, tương đương với các bộ vi xử lý 8 nhân 16 luồng của Intel Haswell-E. Tuy nhiên, Handbrake tận dụng tập lệnh AVX và băng thông RAM 4 kênh trên các bộ vi xử lý của Intel tốt hơn, nên khi ép xung, AMD Ryzen lại hơi đuối so với các đối thủ kia.
Giải mã x265:
Ở bài thử nghiệm giải mã các dữ liệu đa phương tiện, 1700x đem lại hiệu năng khá tốt, với kết quả giải mã đa luồng là 26,7 khung hình/giây ở tốc độ mặc định, và 29,8 khung hình/giây khi ép xung lên 4GHz.
Nhìn chung, hiệu năng hoạt động đơn nhân của Ryzen 7 1700x khá tốt, nằm giữa hiệu năng của Haswell-E và Broadwell-E.
Băng thông RAM:
Ở bài thử nghiệm này (Sandra Memory bandwith) 1700x tỏ ra đuối sức hơn so với các nền tảng đến từ Intel, do băng thông bộ nhớ của bộ vi xử lý Ryzen vẫn chưa được tối ưu (hỗ trợ tối đa 3.2GHz). Sandra Memory bandwith trên 1700x cho ra kết quả 35,50 điểm.

Hiệu năng đồ họa

3DMark:
3DMark là một phần mềm thử nghiệm kinh điển được thiết kế để so sánh sức mạnh của các hệ thống về cả khả năng xử lý đồ họa của CPU và GPU.
Điểm số của 1700x trong bài thử nghiệm 3DMark Fire Strike ở mức xung mặc định là 18.190 điểm, thua một chút so với điểm số 6800K cũng với mức xung mặc định – 18.912 điểm.
Hiệu năng trên DX11:
Nói một cách ngắn gọn, nếu bạn chơi game với màn hình 60Hz và không quan tâm đến tốc độ khung hình trên 60FPS, Ryzen 1700x là lựa chọn hoàn hảo. Với thiết lập giới hạn tối đa 60 khung hình/giây, hiệu năng giữa Ryzen 7 và Core i7 hay Core i5 là không có sự khác biệt.
Tuy nhiên, nếu sử dụng các màn hình đắt tiên với tốc độ quét 100Hz, 120Hz hoặc 144Hz, Ryzen 1700x có thể sẽ gặp phải một số vấn đề trong các tựa game khác nhau.
Hiệu năng trên DX12
Một lần nữa, trên DX12, người dùng sẽ không gặp phải vấn đề lớn nếu sử dụng các màn hình có tốc độ quét 60Hz. Thậm chí, nếu sử dụng màn hình có tốc độ quét 100Hz, Ryzen 7 1700x vẫn là một lựa chọn đáng giá, nhưng nếu trên mức tốc độ này, sản phẩm của AMD vẫn có một số giới hạn nhất định so với các bộ vi xử lý đến từ Intel.
Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ:
AMD đã cải thiện được điểm yếu cố hữu của mình ở 2 lĩnh vực này. Đo trong lúc không hoạt động và khi benchmark Cinebench, nhiệt độ đo được của 1700x với tản nhiệt AMD Wraith lần lượt là 45 và 59 độ. Trong khi đó, điện năng tiêu thụ lần lượt là 49W và 149W. Đây là các con số khá ấn tượng so với lần quay trở lại này của AMD.

Kết luận

Với mức giá xấp xỉ 11 triệu đồng, AMD Ryzen 7 1700x sẽ là lựa chọn rất đáng cạnh tranh cho các hệ thống đa nhiệm, bao gồm cả xử lý các tác vụ giải trí đa phương tiện và chơi game. Mặc dù vẫn còn một số giới hạn về các linh kiện đi kèm, như băng thông kênh đôi của RAM, chưa hỗ trợ các màn hình có tốc độ quét màn hình cao, nhưng bù lại, người dùng cũng sẽ không lủng túi do các linh kiện cần thiết của AMD sẽ không quá đắt tiền như sản phẩm tương tự dành cho Intel. AMD vẫn đang đi đúng và làm tốt trên con đường hiệu năng/giá thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.