Giải mã tai nạn do xe giường nằm

29/06/2015 10:13 GMT+7

Hội nghị tập huấn tuyên truyền nâng cao kỹ năng lái xe ô tô an toàn khu vực miền Trung diễn ra tại Đà Nẵng đã mổ xẻ hiểm họa xe khách giường nằm khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian qua.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền nâng cao kỹ năng lái xe ô tô an toàn khu vực miền Trung diễn ra tại Đà Nẵng đã mổ xẻ hiểm họa xe khách giường nằm khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian qua.

Vụ TNGT thảm khốc tại đường Hoàng Văn Thái khi xe giường nằm đâm ngang xe 4 chỗ khiến 7 người, trong đó có 1 thai phụ tử nạn Vụ TNGT thảm khốc tại đường Hoàng Văn Thái khi xe giường nằm đâm ngang xe 4 chỗ khiến 7 người, trong đó có 1 thai phụ tử nạn -  Ảnh: Nguyễn Tú

Theo thống kê của Cục CSGT Bộ Công an, đến tháng 3.2015 số xe khách giường nằm (có đăng ký hoạt động) là 4.698 chiếc, tăng 66% so với 2012. Trong giai đoạn này mỗi năm có 30.654 vụ TNGT đường bộ, làm 9.336 người chết, 31.605 người bị thương, trong đó có đến 63% số vụ xảy ra trên Quốc lộ. Phân tích 36.123 vụ TNGT đường bộ 2013-2014 thì xe khách gây ra 1.482 vụ (4,1%), làm chết 875 người (5,77%), bị thương 369 người (1,68%), thiệt hại 7,27 tỉ đồng... Trong 166 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ 2013 đến tháng 3.2015 có 18 vụ (10,8%) do xe khách, làm chết 79 người, bị thương 140 người, trong đó có 5 vụ phải nói là cực kỳ thảm khốc, khiến loại xe khách này không khác gì “quan tài bay” trên xa lộ. Điển hình như vụ xe giường nằm đấu đầu xe 4 chỗ tối 1.9.2014 trên QL4D H.Bát Sát, Lào Cai rồi rơi xuống vực khiến 10 người chết, 9 người bị thương do tài xế xe khách chạy quá tốc độ, lấn tuyến. Cùng nguyên nhân, rạng sáng 9.2, xe giường nằm khác đấu đầu xe khách 30 chỗ trên QL1 đoạn qua Bình Thuận gây ra thương vong tương tự. Mới đây nhất hôm 29.4 tại TP.Đà Nẵng, đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại giao lộ Hoàng Văn Thái - đường tránh nam Hải Vân, khi xe giường nằm đâm ngang xe 4 chỗ khiến 7 người của 2 gia đình thông gia tử nạn. Qua điều tra 1.482 vụ TNGT đường bộ liên quan đến xe khách thì nguyên nhân gây TNGT chủ yếu là do lỗi của lái xe, chủ yếu là lấn tuyến (25,3%), vượt ẩu (11,67%), không giữ khoảng cách an toàn (8,7%), rẽ sai quy định (7,55%) và phóng nhanh (1,68%).

Trước tình hình tai nạn do xe giường nằm gây ra, Bộ GTVT đã ban hành thông tư có hiệu lực từ 1.7.2015 không được dùng loại xe này hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi (cấp đường có tiêu chuẩn rộng tối thiểu 6 - 6,5m, có một làn cho xe cơ giới rộng 3,5m, tốc độ thiết kế đường 20 - 30 km/giờ).

Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Phòng điều tra tai nạn (Phòng 5) Cục CSGT Bộ Công an cho hay, xe khách giường nằm kích thước lớn nên trọng tâm cao hơn trong khi mạng lưới giao thông đường bộ gồm 6 hệ thống nhưng chủ yếu là cấp thấp, nhiều đoạn, tuyến hẹp, đường cong, dốc chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Do đó Cục CSGT đề xuất đối với loại xe này cần quy định riêng như độ tuổi và kinh nghiệm tài xế, tốc độ giới hạn, thời gian, cung đường được chạy, cách xếp hàng hóa và người đảm bảo hạ thấp trọng tâm; đối với DN phải thường xuyên chấn chỉnh lỗi lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, nếu DN vi phạm không dùng thiết bị này thì phải rút giấy phép. Tuy nhiên thực tế các DN vận tải vì lợi nhuận thường tăng ca, nhất là ngày lễ, tết buộc tài xế phóng nhanh vượt ẩu để đủ chuyến dẫn đến nguy cơ tai nạn. “Trong nhiều trường hợp tính mạng hành khách trên xe giường nằm gần như không ai quản lý, vì vậy cần phải có giáo trình nâng cao cho tài xế xe này và phải coi lái xe khách là một nghề đặc biệt cần quản lý”, thượng tá Minh phân tích.

Đồng thời theo điều tra của Cục CSGT, không ít DN mua xe cũ 47 chỗ rồi hoán cải thành xe giường nằm, khác biệt rất lớn với xe nguyên bản, thiếu cửa thoát hiểm, tiềm ẩn mất ATGT.

Do đó Cục CSGT đề xuất Tổng cục đường bộ khảo sát các tuyến đường, nghiên cứu tính năng xe giường nằm để kịp thời có quy định, có biển báo quy định riêng tốc độ, tuyến đường cho loại xe này, quản lý lái xe như một nghề kinh doanh đặc biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.