Giải mã thảm sát, bộc phát thành ‘quỷ’

24/08/2015 19:25 GMT+7

(TNO) Dường như những người phạm tội chỉ bộc phát thành “quỷ” ở thời điểm phạm tội, còn trước và sau khi phạm tội họ vẫn có bản tính hiền lành.

(TNO) Dường như những người phạm tội chỉ bộc phát thành “quỷ” ở thời điểm phạm tội, còn trước và sau khi phạm tội họ vẫn có bản tính hiền lành.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ thảm sát ở Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị, Yên Bái, Gia Lai - Ảnh tư liệu
Tình trạng giới trẻ hiện phạm tội giết người ngày càng tăng với những lý do, mục đích đạt được lợi ích vật chất như để cướp tài sản, bịt đầu mối hoặc do “bùng nổ” của những thù tức, mâu thuẫn lâu ngày. Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về điều tra tội phạm, chuyên gia tâm lý.
Mâu thuẫn lâu ngày không được giải quyết dứt điểm
Ông Nguyễn Thanh Minh, chuyên gia nghiên cứu về điều tra tội phạm tại TP.HCM phân tích, với sự phát triển của xã hội là sự thay đổi về cơ cấu xã hội và phân tảng xã hội cũng diễn ra gay gắt, dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực xã hội nảy sinh, đòi hỏi phải được giải quyết cấp bách. Tội phạm giết người thời gian qua đang có biểu hiện gia tăng, là một thách thức đòi hỏi sự giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước.
Lý giải nguyên nhân càng ngày có nhiều vụ thảm sát xảy ra, ông Minh cho rằng mỗi tỉnh có thành phần dân cư đa dạng, lượng dân nhập cư chiếm tỉ lệ cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thấp, mặt bằng trình độ văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Vì thế, cộng đồng dân cư của tỉnh còn tồn tại một bộ phận đối tượng quen giải quyết mâu thuẫn hằng ngày bằng bạo lực và họ muốn khẳng định cái tôi cá nhân, cái tôi của vùng miền bằng lối hành xử mang tính bạo lực.
Trong những năm qua, người phạm tội chủ yếu ở lứa tuổi từ 16-30, có trình độ văn hóa thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế; không nghề nghiệp ổn định; ham tụ tập ăn chơi; rượu chè, cờ bạc hay thể hiện bản thân bằng các hành vi bạo lực; coi thường các giá trị văn hóa ứng xử truyền thống.
Ông Nguyễn Đăng Hải, chuyên gia nghiên cứu về Điều tra Hình sự tại TP.HCM cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do mâu thuẫn lâu ngày không được giải quyết dứt điểm giữa bị hại và đối tượng phạm tội. Họ bí bách trong cách giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp nên họ phải dùng vũ lực để thực hiện hành vi phạm tội. Có nhiều vụ án chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, hay sự hiếu thắng giữa những thanh niên không quen biết với nhau, vì va quẹt xe... họ sẵn sàng dùng vũ lực, vũ khí để tước đoạt mạng sống của đối phương.
Ông Hải nhấn mạnh, hiện nay mặt trái của sự thay đổi trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo, phát triển kinh tế không đi cùng với sự phát triển văn hóa xã hội nên ý thức pháp luật của một bộ phận nhân dân không kịp thời nâng cao. Từ đó, hình thành một bộ phận người dân có lối sống thực dụng, buông thả, coi thường các giá trị đạo đức, bản thân họ cũng không có việc làm ổn định, thích ăn chơi, đua đòi với bạn xấu...

Dường như những người phạm tội chỉ bộc phát thành “quỷ” ở thời điểm phạm tội, còn trước và sau khi phạm tội họ vẫn có bản tính hiền lành. Chỉ riêng nghi phạm ở Yên Bái là ngỗ ngược, còn lại các nghi phạm trong vụ án Bình Phước, Quảng Trị, Gia Lai... đều rất hiền lành

Ông Nguyễn Đăng Hải, chuyên gia nghiên cứu về Điều tra Hình sự tại TP.HCM

Còn những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với phim ảnh, sách báo ngoài luồng trên mạng internet có nội dung không lành mạnh, tuyên truyền lối sống bạo lực theo kiểu xã hội đen còn tồn tại phổ biến trên các tỉnh thành. Dĩ nhiên là không thể không nói đến sự quản lý yếu kém của các ngành chức năng liên quan; công tác quản lý xã hội có nhiều bất cập, thiếu sót; cơ quan nhà nước chưa làm tốt nhiệm vụ giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, mâu thuẫn vẫn phát sinh và tồn tại ngày càng nhiều. Những mâu thuẫn âm ỉ, lớn dần khi không có hướng giải quyết thỏa đáng, họ sử dụng công cụ bạo lực để tự giải quyết. Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật chưa được chú trọng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là ở các huyện giáp biên giới, vùng sâu vùng xa...
Cần đội ngũ bác sĩ tâm lý tốt hơn
“Dường như những người phạm tội chỉ bộc phát thành “quỷ” ở thời điểm phạm tội, còn trước và sau khi phạm tội họ vẫn có bản tính hiền lành. Chỉ riêng nghi phạm ở Yên Bái là ngỗ ngược, còn lại các nghi phạm trong vụ án Bình Phước, Quảng Trị, Gia Lai... đều rất hiền lành”, ông Hải nói.
Nói về giải pháp, ông Minh cho rằng cần tuyên truyền pháp luật hình sự cho người dân rõ về những phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, cách giải quyết các vụ án giết người để người dân nắm và chủ động phòng ngừa, bảo vệ bản thân và gia đình... Những mâu thuẫn kéo dài cần được giải quyết bằng cách liên hệ với cấp chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Minh, cần phát động quần chúng tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn cư trú, đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuần tra, nắm tình hình, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt chú ý các nhóm đối tượng tụ tập ăn chơi, mang vũ khí trong người, trong cốp xe... nhằm ngăn chặn tội phạm.
Những con đường tối, trồng cao su, vườn điều cũng là nơi tạo điều kiện cho thủ phạm giết, cướp, hiếp... nên phải cân nhắc. Những đối tượng có tiền án, tiền sự cần được chú ý hơn.
Ngoài ra, ông Hải cho rằng, nước ta cần dựng một đội ngũ bác sĩ tốt hơn, bởi quản lý tâm lý (tự kỷ, trầm cảm, tâm thần…) phải tốt thì tội phạm mới có chiều hướng giảm.

Khi thấy người thân đang trong vòng nguy hiểm, các nạn nhân thường tìm cách ứng cứu mà quên rằng, hãy thoát thân và tri hô. Đối tượng thấy có tiếng động sẽ từ bỏ hành vi để chạy thoát thân

Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

Hãy thoát thân và tri hô!
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam phân tích, tội phạm giết người ngày một trẻ hóa; đối tượng thường có mối thâm thù từ trước với gia đình, hoặc sợ bị bại lộ hành vi của mình nên ra tay để bịt đầu mối. Khi thấy người thân đang trong vòng nguy hiểm, các nạn nhân thường tìm cách ứng cứu mà quên rằng, hãy thoát thân và tri hô. Đối tượng thấy có tiếng động sẽ từ bỏ hành vi để chạy thoát thân.
Như vậy, trừ những trường hợp ngoại lệ khi có mối thâm thù từ trước, đa số đối với các đối tượng trộm cắp tài sản, mục đích chính vẫn là những món đồ giá trị. Việc truy sát chỉ là bất đắc dĩ khi phải mở “con đường máu” nhằm tránh hành vi bị bại lộ. Bên cạnh đó, yếu tố và chất kích thích như ma tuý, rượu bia... cũng là những nguyên nhân khiến đối tượng mất kiểm soát hành vi.
“Qua những vụ thảm sát thời gian qua, chúng ta cần chú ý rà soát các mối quan hệ, xem có chỗ nào còn vướng mắc thì hãy giải quyết ngay. Khi nhận ra các dấu hiệu bất thường hay bị đe dọa, cần phải chủ động thu thập chứng cứ như lưu tin nhắn đe dọa, ghi âm cuộc gọi để trình báo cơ quan công an… Đặc biệt, cơ quan chức năng, địa phương cần trang bị và tuyên truyền về tâm lý tội phạm cũng như kỹ năng thoát hiểm cho người dân...”, thạc sĩ An nói.
Chung sống hòa bình
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng nguyên nhân một phần do khả năng quản lý cảm xúc trong mỗi con người. “Quản lý cảm xúc là một trong những kỹ năng sống khó nhất của con người, bởi trong trạng thái giận dữ, cảm xúc sẽ làm chủ hành vi và khiến người ta dễ phản ứng một cách bản năng. Lúc đó, phần con - hay người ta còn gọi là "thú tính" - sẽ trỗi dậy mạnh mẽ và gây nên tội ác”.
Theo tiến sĩ Hiếu, với các vụ thảm sát liên tiếp như hiện nay, không thể bắt người dân không sợ hãi. Mọi lời trấn an đều là vô nghĩa nếu như đạo đức xã hội không được củng cố. Những vụ tàn sát không được ngăn chặn; truyền thông vẫn tiếp tục mô tả về những vụ giết người… thì người dân không thể nào hoàn toàn yên tâm ngon giấc.
Tiến sĩ Hiếu nói, giải pháp để ngăn chặn những vụ thảm sát, không còn cách nào khác, phải chung sống hòa bình với mọi người và tu dưỡng đạo đức. (Hoài Nhơn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.