Hệ thống thơ văn trên di tích Huế có một phần rất lớn là Ngự chế thi của vua Minh Mạng, trong đó, đặc biệt tại Hiếu Lăng (lăng vua Minh Mạng) là nơi có nhiều thơ của nhà vua được chạm khắc, trang trí để lưu truyền cho hậu thế.
Trang trí thơ văn trong nội thất điện Sùng Ân, lăng Minh Mạng - Ảnh: Bùi Ngọc Long
|
Sáng tác của vua Minh Mạng
Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Hiếu Lăng (thường gọi là lăng vua Minh Mạng), nằm ở ngọn Hiếu Sơn (thôn An Bằng, nay là thôn La Khê Bãi, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Hiếu Lăng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840) và sau khi khởi công được khoảng 5 tháng (từ tháng 9.1840 - 1.1841) thì vua Minh Mạng đột ngột băng hà. Vua Thiệu Trị đã kế tục việc xây dựng lăng và hoàn thành vào năm 1843. Đây là nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng, hiệu Thánh tổ Nhân Hoàng đế.
Vua Minh Mạng (1791 - 1841), trị vì đất nước được 21 năm (1820 - 1841) và là một vị hoàng đế anh minh. Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi chép rằng dưới triều đại của ông, “lễ nhạc được tu sửa, hình, chính được thanh bình, hộ khẩu mỗi năm mỗi tăng, bờ cõi mỗi ngày mỗi rộng”. Vua Minh Mạng không chỉ có tài kinh bang tế thế, trị quốc an dân, ông còn là một người giỏi văn thơ, nổi tiếng với tác phẩm Ngự chế văn (gồm 2 tập) cùng nhiều bài minh khắc vào bia, cổ khí (chuông, khánh…) và tác phẩm Ngự chế thi gồm 6 tập, mỗi tập 10 quyển. Ngoài ra, tác phẩm của vua Minh Mạng còn có các tập thơ Tiễn Bình Nam Bắc Xiêm khấu nghịch phỉ, Tiêu cơ dự triệu và một thiên Trù biên chưa kịp làm xong.
Thơ trang trí trên Hiếu Lăng tập trung chủ yếu tại các công trình kiến trúc như: Nghênh Lương quán, Bi đình, Hiển Đức môn, Sùng Ân điện, Minh lâu, Nghi môn… Hiện tại còn tổng cộng 475 ô thơ, trong đó có 463 ô hộc vẫn còn thơ và 12 ô hộc bị mất hoàn toàn. Ngoài ra, chưa kể một số công trình vốn đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng, nằm ở hai bên của trục thần đạo như: Truy Tư trai, Quan Lan sở, Điếu Ngư đình... nên thơ văn cũng bị mất.
Theo ThS Lê Na, cán bộ Phòng Nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, căn cứ vào kết quả khảo sát và nghiên cứu, đối chiếu các tác phẩm của vua Minh Mạng, tất cả các bài thơ trang trí trên di tích Hiếu Lăng đều chính là những áng thơ được trích từ các tập Ngự chế thi của vua Minh Mạng.
Khẩu khí thơ của bậc đế vương
Theo ThS Lê Na, thơ của vua Minh Mạng ở Hiếu Lăng chủ yếu là thơ tả cảnh, ngôn ngữ sử dụng đơn giản, dễ hiểu nhưng luôn gửi gắm trong đó những lời răn dạy bề tôi và thần dân trăm họ, cùng những hoài bão, tâm huyết xây dựng một đất nước mạnh giàu, ca ngợi cảnh yên bình, nhân dân ấm no hạnh phúc. Chính trong Đại Nam thực lục cũng đã từng ghi chép tâm sự của nhà vua: “Nếu ngẫm nghĩ những lời thơ ấy mà biết trẫm khó nhọc, thì nên cảm động mà thi thố mưu mô để giúp trẫm những việc không nghĩ đến, cho chính sự tốt đẹp, trong ngoài yên vui, thế trẫm mới cho thơ không phải vô ích, thì trẫm vui mừng biết nhường nào”.
Sau đây là một vài bài thơ tiêu biểu của vua Minh Mạng trang trí ở Hiếu Lăng được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phiên âm và dịch nghĩa:
Bài thơ ca ngợi cảnh sống sung túc, buôn bán sầm uất của người dân khắc ở Minh Lâu được trích một phần trong bài Thừa lương đăng Minh Viễn lâu đề bích, trong tập 4, quyển thứ 7 của Ngự chế thi của vua Minh Mạng:
Phiên âm:
Thông cù bách hóa tập
Tỉ ốc vạn nhân gia
Thủy ảnh chiếu song thượng
Sơn quang nhập hạm tà
Tỉ ốc vạn nhân gia
Thủy ảnh chiếu song thượng
Sơn quang nhập hạm tà
Tạm dịch:
Đường lớn trăm hàng hóa tụ hội về
Nhà cửa san sát muôn người kinh doanh
Lấp lánh ánh sông lên cửa sổ
Chếch nghiêng bóng núi chiếu bên hiên
Nhà cửa san sát muôn người kinh doanh
Lấp lánh ánh sông lên cửa sổ
Chếch nghiêng bóng núi chiếu bên hiên
Hay bài thơ khác ở Minh Lâu trích trong Ngự chế thi tập 1, quyển 3, nhà vua đã ca ngợi phong thủy của xứ kinh đô Thuận Hóa:
Phiên âm:
Hồi hồi triều phúc địa
Hoàn nhiễu điện kim thang
Thuận Hóa sơn xuyên tú
Di mưu tộ vĩnh xương
Hoàn nhiễu điện kim thang
Thuận Hóa sơn xuyên tú
Di mưu tộ vĩnh xương
Tạm dịch:
Bao quanh chầu đất phước
Vây bọc vững thành trì
Thuận Hóa núi sông đẹp
Mưu tính mãi vững bền
Vây bọc vững thành trì
Thuận Hóa núi sông đẹp
Mưu tính mãi vững bền
Còn rất nhiều bài thơ mang khẩu khí của một bậc đế vương nhưng ngôn ngữ rất khoan hòa, dung dị mà trong khuôn khổ bài viết không thể giới thiệu hết.
Bình luận (0)