Giải mã việc Mỹ thắt chặt hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc

30/07/2024 06:00 GMT+7

Mỹ vừa tăng cường hợp tác quân sự song phương với Nhật Bản, đồng thời hai nước này cùng Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác quốc phòng 3 bên.

Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có cuộc đối thoại an ninh với Ngoại trưởng Kamikawa Yoko và Bộ trưởng Quốc phòng Kihara Minoru của Nhật Bản tại Tokyo. Qua cuộc hội đàm 2+2 này, Washington chính thức nâng cấp cơ cấu chỉ huy tại Nhật Bản với việc thành lập một sở chỉ huy liên quân mới do một tướng 3 sao làm tư lệnh.

Bên cạnh đó, 2 bộ trưởng Austin và Minoru cùng người đồng cấp Hàn Quốc Shin Won-sik cũng vừa ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa 3 bên, bao gồm duy trì tham vấn chính sách, chia sẻ thông tin và tập trận chung.

Giải mã việc Mỹ thắt chặt hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc- Ảnh 1.

Chiến hạm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung vào năm 2022

AFP

Chương mới cho Mỹ - Nhật ?

Trả lời Thanh Niên ngày 29.7, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: "Các mối đe dọa mà Nhật Bản phải đối mặt trở thành lo ngại ngày càng gia tăng. Nên việc bổ sung nhân sự và khả năng chỉ huy, kiểm soát cho lực lượng Mỹ tại Nhật Bản là dễ hiểu. Nhưng câu hỏi thực sự là liệu Washington có cung cấp thêm nguồn lực quân sự cho bộ chỉ huy chung hay không. Việc bổ nhiệm tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản là tướng 3 sao có vẻ như thể hiện sự củng cố một bộ chỉ huy. Quyền chỉ huy và kiểm soát bổ sung cùng các thẩm quyền liên quan cho phép người chỉ huy lập kế hoạch và chỉ đạo các hoạt động tăng viện quy mô lớn được triển khai nếu xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột, chiến tranh".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đó có thể là một động thái mang tính chính trị nhiều hơn nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng hành động của Bắc Kinh sẽ càng khiến Washington và Tokyo tăng cường thắt chặt hợp tác để củng cố sức mạnh quân sự, sẵn sàng bổ sung lực lượng lớn. Bước tiếp theo và cũng quan trọng không kém là Washington và Tokyo cần cho thấy có thể phối hợp để tăng cường năng lực hậu cần sẵn sàng cho xung đột.

Thỏa thuận nhiều lợi ích

Còn nhận định về hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá diễn biến này bắt nguồn từ sự thống nhất về tầm quan trọng ngày càng tăng của việc tăng cường năng lực răn đe và hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi tình hình khu vực có nhiều thách thức giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự hợp tác 3 bên còn nhằm phản ứng việc Triều Tiên và Nga thắt chặt quan hệ.

"Thể chế hóa hợp tác ba bên cũng liên quan việc khóa chặt các mối quan hệ phòng ngừa ông Donald Trump quay lại làm chủ nhân Nhà Trắng, bởi ông Trump có xu hướng "nước Mỹ là trên hết" thì có thể yêu cầu nhiều điều kiện hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc", GS Nagy phân tích thêm và cho rằng: "Bên cạnh đó, các lãnh đạo đương nhiệm tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang gặp nhiều thách thức trong nước. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol muốn có được di sản là việc đóng góp tăng cường an ninh và các mối quan hệ. Tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng muốn có được thành tựu để củng cố địa vị chính trị trong nước".

Tương tự, trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) cho rằng: "Hợp tác ba bên là điều mà Washington mong đợi từ lâu. Từ thời Tổng thống George Bush, khi căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng do các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Washington đã muốn thúc đẩy hợp tác 3 bên. Sự phối hợp ngoại giao đi kèm với những nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự giữa 3 nước nhằm củng cố khâu yếu nhất trong quan hệ ba bên là mối liên kết Nhật - Hàn".

Theo ông, quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Hàn đã trải qua giai đoạn chuyển đổi lớn vào đầu những năm 2000. Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc đã được mở rộng sự linh hoạt hơn về mục đích và địa điểm triển khai, không còn chỉ giới hạn ở việc bảo vệ lãnh thổ Hàn Quốc nữa. Quân đội Hàn Quốc cũng đã đến Afghanistan trong cuộc chiến do Mỹ phát động.

"Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA (một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo) và hai nước bắt đầu mời nhau làm quan sát viên trong các cuộc tập trận quân sự tương ứng với Mỹ. Hợp tác an ninh song phương Nhật - Hàn dựa theo các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cũng đã được tiến hành ở Đông Timor và Nam Sudan. Vì thế, việc thể chế hóa hợp tác 3 bên được kỳ vọng sẽ làm giảm sự dao động trong quan hệ song phương giữa Tokyo và Seoul vốn rất bị lệ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ Hàn Quốc", GS Sato đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.