TNO

Giải mật sổ tay hướng dẫn phi công Mỹ đánh cắp máy bay MiG

21/03/2015 20:00 GMT+7

(Tin Nóng) Nếu bị bắn rơi và mắc kẹt phía sau phòng tuyến của khối Liên Xô, cách tốt nhất là đánh cắp một chiếc máy bay MiG-15 và bay thoát, theo sổ tay hướng dẫn đào thoát của Không quân Mỹ thời Chiến tranh Lạnh vừa được giải mật, trang tin Medium (Mỹ) ngày 20.3 đưa tin.

(Tin Nóng) Nếu bị bắn rơi và mắc kẹt phía sau phòng tuyến của khối Liên Xô, cách tốt nhất là đánh cắp một chiếc máy bay MiG-15 và bay thoát, theo sổ tay hướng dẫn đào thoát của Không quân Mỹ thời Chiến tranh Lạnh vừa được giải mật, trang tin Medium (Mỹ) ngày 20.3 đưa tin.


Chiếc MiG-15 của phi công Triều Tiên No Kum-Sok tại căn cứ Mỹ ở Okinawa - Ảnh: Không lực Mỹ

Đó là kế hoạch trốn thoát trong sổ tay hướng dẫn vừa được Không quân Mỹ giải mật gần đây, theo yêu cầu của Đạo luật Tự do Thông tin. Nhưng ý tưởng này hầu như không thể thực hiện được với ngay cả những phi công dày dạn nhất.

Năm 1955, Trung tâm Tình báo kỹ thuật không quân Mỹ xuất bản một cuốn sổ tay hướng dẫn bay với loại MiG-15 của Liên Xô. Cuốn cẩm nang này mô tả cách hoạt động cơ bản của máy bay phản lực thế hệ thứ nhất của Liên Xô và cách làm thế nào để đánh cắp được nó.

Theo sổ tay, hướng dẫn này đã được chuẩn bị đặc biệt nhằm mục đích cung cấp thông tin cho phi công Không lực Mỹ về cách hoạt động của máy bay MiG-15. "Nếu cần thiết, máy bay này có thể được sử dụng như một phương tiện để thoát khỏi lãnh thổ của địch”, cẩm nang ghi. 

Đọc cuốn sách hướng dẫn này sẽ không biến bạn thành một phi công lái máy bay chiến đấu. Các hướng dẫn trong sách rõ ràng là không có ý định để giúp các phi công Mỹ bị bắn rơi làm bất cứ điều gì ngoài việc cho máy bay bay từ điểm A đến điểm B.

Trong khi các biểu đồ và các chi tiết khác hiển thị trong sách chỉ cách tìm cò súng của các khẩu pháo 23 ly và 37 ly trên máy bay MiG-15, thì các hướng dẫn thực tế hầu như chỉ tập trung hoàn toàn vào cách thức làm thế nào để cất cánh và hạ cánh loại máy bay này.

Theo cẩm nang, chỉ có các thông tin mà phi công cần phải biết mới được trình bày chi tiết trong sách. Một số thao tác có thể được coi là không chính thống cho hoạt động bay của máy bay này được khuyến khích, bởi vì chúng thể hiện cách đơn giản nhất của việc đảm bảo an toàn bay.

Các tác giả cẩm nang đã làm rõ thêm rằng cuốn sổ tay này là phù hợp cho dòng máy bay MiG-15 với động cơ Klimov VK-1 của Liên Xô.

Trước đó loại máy bay MiG dùng động cơ RD-45 vốn là một bản sao của động cơ phản lực Nene của hãng Rolls-Royce (Anh) có thể không cùng tầm cỡ của MiG 15 sau này. "Tuy nhiên, người ta tin rằng các hướng dẫn hoạt động này cũng có thể áp dụng cho cả máy bay MiG-17", sổ tay viết thêm.


Máy bay MiG-15 do phi công Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc được Mỹ sử dụng trong một lần bay thử nghiệm - Ảnh: Không lực Mỹ

Cất cánh lần đầu tiên vào năm 1950, mẫu tiêm kích phản lực MiG-17 của Liên Xô có thiết kế giống rất nhiều mẫu máy bay MiG-15, và động cơ cũng của hãng Klimov. Nhưng Không lực Mỹ có một lý do tốt để chọn hướng dẫn sử dụng máy bay MiG-15 bởi vì họ thực sự đã có một chiếc máy bay phản lực này.

Đó là vào năm 1953, hai năm trước khi có cuốn sổ tay hướng dẫn, một phi công máy bay chiến đấu của Triều Tiên tên là No Kum Sok đã lái chiếc MiG-15 bay vào Hàn Quốc để trốn thoát. Chiếc MiG-15 khi đó có một số ưu điểm hơn hẳn loại tiêm kích phản lực F-86 Sabre của Mỹ, và các cơ quan tình báo quân đội Mỹ đã kiểm tra kỹ lưỡng chiếc máy bay Liên Xô này. Không lực Mỹ liền lấy chiếc MiG 15 và nhanh chóng đưa vào nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu này đã được đưa vào cuốn sổ tay hướng dẫn. Nhưng chỉ với những thông tin này thì có lẽ sẽ không đủ để giúp bất cứ ai cố gắng trốn thoát bằng một MiG đánh cắp.

Một phi công khi bị bắn rơi trong vùng đất địch, sẽ cần phải tìm ra một sân bay của đối phương, bí mật lẻn vào, xác định vị trí chiếc máy bay cần đánh cắp, và chắc chắn rằng nó có đủ nhiên liệu, rồi khởi động động cơ và cất cánh thành công... Tất cả những điều này phải thực hiện được mà không bị ai ngăn cản.

Nếu không có được một cuốn sổ tay hướng dẫn bị giấu đi một nơi nào đó, phi công sẽ phải nhớ tất cả các đặc điểm của máy bay. Và ngay cả khi phi công nhớ lại tất cả mọi thứ, anh ta cũng không thể nhảy vào buồng lái của một chiếc MiG-15 mà không trải qua khoá đào tạo thực tế nào trước đó, khác với những gì bạn có thể tin từ phim ảnh Hollywood.

Nhiều thập kỷ sau khi Không lực Mỹ xuất bản cuốn hướng dẫn bay MiG-15, các cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc và Mỹ tiếp tục tiếp cận và thử nghiệm với các máy bay MiG bắt được sau đó. Ngay cả với các phi công thử nghiệm ưu tú bay các máy bay phản lực trong các điều kiện có kiểm soát, công việc này rất nguy hiểm.

Theo một báo cáo của Tình báo quân đội Mỹ (DIA), các bảng chuyển mạch, điều khiển, dụng cụ, và đèn cảnh báo trên máy bay MiG-21 rất đơn sơ, bố trí trong khoang lái một cách lộn xộn, gây ra sự nhầm lẫn và khó khăn với một số phi công ít kinh nghiệm.

Lầu Năm Góc đánh giá máy bay chiến đấu MiG-21 mang tính biểu tượng của Liên Xô này trong một phần của dự án mang tên Have Doughnut. Với ít hoặc không có tài liệu chính thức về chiếc máy bay, các phi công Mỹ đã phải thử bay các máy bay MiG.

Trong các cuộc thử nghiệm vào năm 1968, có 11 phi vụ đã bị hủy bỏ vì lý do bảo trì, theo báo cáo của DIA. Những chuyến bay bị hủy là do thiếu hiểu biết về hệ thống của MIG-21. Loại máy bay này có đèn cảnh báo bố trí ở góc nhìn khó thấy và ghế phóng có tốc độ rất cao.

Tất nhiên, các phi công thử nghiệm có lẽ đã không phải vội vã để kiểm tra xem hệ thống ghế phóng có thực sự hoạt động. Nhưng các tai nạn đã xảy ra với các phi công thử nghiệm ưu tú của Mỹ.

Năm 1979, đại uý Hải quân Mỹ M. Hugh Brown bị tử nạn khi đang lái một chiếc MiG-17F gần bãi thử nghiệm bí mật Tonopah ở bang Nevada. Căn cứ này là nơi đóng quân của đơn vị thử nghiệm máy bay bí mật 4477, chuyên bay thử các máy bay của đối phương. Trong 5 năm tiếp theo, ít nhất thêm 2 sĩ quan Mỹ đã chết trong khi thử nghiệm máy bay của Liên Xô. Và vào năm 1990 Không lực Mỹ chính thức giải tán đơn vị 4477.

Với tất cả những khó khăn mà các phi công được đào tạo tốt phải đối mặt, có thể nói cuốn sổ tay hướng dẫn bay máy bay MiG này chỉ có giá trị như là một trang bìa.


Một chiếc MiG-15 của Ba Lan tại một triển lãm hàng không ngày 1.7.2011 - Ảnh: Wikimedia

Ông Brian Laslie, sử gia của Không lực Mỹ nói rằng “Tôi đoán rằng sổ tay hướng dẫn được phát triển sau khi Không lực Mỹ nhận được chiếc MiG-15 của phi công No Kum Sok và nó được sử dụng để huấn luyện cho phi công mới về cách để bay nó, nhưng đó chỉ là một phỏng đoán”.

Và dù với bất cứ lý do gì, các phi công nếu bị bắn rơi trên đường chạy trốn khỏi quân đội Xô Viết có lẽ hy vọng vào những phương tiện thực tế hơn để trở về nhà thay vì phải tìm cách đánh cắp máy bay MiG để trốn thoát.

Tiêm kích MiG-15 được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1940, bay thử ngày 30.12.1947, sản xuất từ năm 1949. Máy bay dài 10 m, sải cánh cũng dài 10 m, có tốc độ 1.075 km/giờ, bán kính tác chiến 1.240 km, vũ khí là 2 pháo 23 ly và 1 pháo 37 ly, mang được 2 quả bom 100 kg hoặc 2 thùng dầu phụ hoặc 2 tên lửa ở đầu cánh. MiG-15 được Liên Xô sản xuất nhiều nhất, hơn 12.000 chiếc; và cộng số máy bay được sản xuất theo giấy phép thì con số này lên đến hơn 18.000 chiếc. Đây là máy bay tốt nhất trong Chiến tranh Triều Tiên, đến nay không quân Triều Tiên còn sử dụng để làm máy bay huấn luyện.

Anh Sơn

>> Hồ sơ: Vì sao UAV Mỹ bị Bắc Việt Nam bắn hạ như sung ?
>> Hồ sơ: Khẩu siêu súng 1.200 nòng của Mỹ phá sản ở Việt Nam
>> Nga nâng cấp tiêm kích tàu sân bay Su-33 hoạt động thêm 10 năm
>> Ấn Độ không hài lòng về động cơ tiêm kích Su-30MKI
>> Lockheed Martin muốn nâng cấp tiêm kích F-16 của Singapore, Hàn Quốc
>> Indonesia chọn mua tiêm kích Su-35 thay thế máy bay F-5
>> Ý lắp ráp tiêm kích F-35 đầu tiên
>> Ấn Độ muốn tiêm kích Mig-29K có thể đáp bằng 1 động cơ
>> Năm 2015, Quân đội Việt Nam nhận thêm 10 tiêm kích Su-30MK2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.