Sáng 29.5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách T.Ư trong nước còn lại và 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Chính phủ cũng trình bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Khi trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã “tranh thủ” báo cáo thêm với Quốc hội về thủ tục đầu tư công rắc rối hiện nay, khi phải trình Quốc hội phê duyệt một số nội dung điều chỉnh nhỏ, không làm thay đổi tổng vốn đầu tư, vì cho rằng đây cũng chính là một nguyên nhân làm chậm trễ giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung các dự án mới sử dụng nguồn vốn từ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương vào danh mục dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; điều chỉnh, thay tên một số dự án của TP.Đà Nẵng và Văn phòng T.Ư Đảng; bổ sung kế hoạch và dự toán ngân sách T.Ư năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại cho dự án hỗ trợ kỹ thuật của TP.HCM.
“Chỉ đổi tên từ toà nhà của Ban Tổ chức T.Ư sang Ban Tuyên giáo T.Ư, tổng vốn đầu tư không thay đổi, mà trình ra Quốc hội đã mất đúng 5 tháng vừa qua. Thứ 2 là dự án của Đà Nẵng, có 2 hợp phần, chỉ đổi hợp phần sau lên trước và không làm cho vốn đầu tư thay đổi cũng đã phải dừng lại để chờ Quốc hội cho phép phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, khi trình báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định “đó là 2 công trình khác nhau, chứ không phải đổi tên. Nhà làm việc của cơ quan này với cơ quan khác là 2 dự án khác nhau, về thủ tục đầu tư phải đảm bảo”. Dự án của Đà Nẵng cũng tương tự.
Trở lại với tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép bố trí 4.069 tỉ đồng từ khoản 10.000 tỉ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn thêm 15.487 tỉ cho một số dự án.
Bình luận (0)