'Giải ngân đầu tư phát triển miền núi thấp nhưng chi hội thảo, tập huấn nhiều'

Mai Hà
Mai Hà
06/06/2023 18:09 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) băn khoăn về việc triển khai chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc miền núi còn chậm, giải ngân kém, trong khi phần không nhỏ dành cho hội thảo, tập huấn.

Chất vấn qua trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chiều 6.6, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nêu "qua trả lời của Bộ trưởng, dường như việc triển khai Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc miền núi rất tốt". 

'Giải ngân đầu tư phát triển miền núi thấp, nhưng chi hội thảo, tập huấn nhiều' - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội

GIA HÂN

Tuy nhiên, theo bà Mai, trên thực tế chưa phải như vậy, Báo cáo số 100 của Chính phủ còn tình trạng hướng dẫn chậm, hướng dẫn sai, giải ngân kém phải trình Quốc hội dẫn đến kéo dài thời gian, huy động vốn kém. Đáng ngạc nhiên hơn khi nói về nguyên nhân hạn chế, báo cáo của Ủy ban Dân tộc nói do thời tiết, do Covid-19, do biến động quốc tế. Đại biểu Mai đề nghị chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng?

Về sử dụng vốn, ngoài việc giải ngân rất thấp, chỉ đạt hơn 4.600 tỉ đồng, bằng 51% thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn. Đơn cử như hội thảo bình đẳng giới hết 64 tỉ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỉ đồng, kiểm tra hội thảo 88 tỉ đồng, trong khi xây dựng mạng lưới cơ sở chỉ đạt 33 tỉ đồng. Bà Mai đề nghị cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, việc chậm ban hành các văn bản nguyên nhân chủ quan, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Chính phủ nhận trách nhiệm triển khai chậm trong giai đoạn 2021 - 2022. 

Nhưng thực tế đến tháng 6.2021 Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư và phân công các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn, sau đó mới triển khai được, cơ bản đến hết 2022 đã triển khai xong. Trong quá trình thực hiện cũng có văn bản chậm. 

"Về chủ quan, chúng tôi nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Chính phủ cũng đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội vào tháng 10.2022 và có nhiều giải pháp đôn đốc, tới nay cũng đã tháo gỡ cơ bản vướng mắc của chương trình", ông Lềnh nêu.

Nói thêm về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, ông Lềnh cho biết, dù là cơ quan chủ trì nhưng chỉ soạn thảo 2 thông tư, còn 9 thông tư nằm ở các bộ, ngành khác. Giai đoạn tới sẽ đôn đốc kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

'Giải ngân đầu tư phát triển miền núi thấp, nhưng chi hội thảo, tập huấn nhiều' - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

GIA HÂN

Nhiều hộ không muốn thoát nghèo

Sau khi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc trả lời nội dung thứ hai của đại biểu Mai về việc giải ngân chậm nhưng chi cho hội thảo nhiều, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, các dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện mới tổ chức được một số hội thảo, hội nghị truyền thông. Hội chủ trì, tập trung chủ yếu vào công tác truyền thông.

Nội dung về quỹ tín dụng liên quan đến luật Ngân sách và thành lập các quỹ địa phương nên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang báo cáo Chính phủ. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đang giao cho Ủy ban Dân tộc và hội, nếu khó không triển khai được thì báo cáo Quốc hội vào tháng 10.

Chất vấn thêm sau phần trả lời, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, dù Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói đến hết năm 2022 đã ban hành xong các văn bản hướng dẫn nhưng báo cáo của Chính phủ (tháng 4.2023), Ủy ban Dân tộc ban hành 2 văn bản hướng dẫn chậm. Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Lềnh cần sâu sát hơn để thông tin cho cử tri được biết.

“Quốc hội khóa XIV nêu rõ nguồn lực có hạn, phải đến đúng người dân, hạn chế việc chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo, tư vấn. Tuy nhiên, khi đọc báo cáo của Chính phủ, cơ cấu này chưa hợp lý, đề nghị bộ trưởng quan tâm để trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì đến được với đồng bào dân tộc đang sống trong điều kiện khó khăn", bà Mai nêu.

Bộ trưởng Lềnh nhắc lại các dự án mới tổ chức được một số hội thảo và chương trình truyền thông, trong đó tập trung chủ yếu cho công tác truyền thông.

Trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về giải pháp cho thực trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo, và giải pháp giữ đồng bào, không để xảy ra làn sóng di cư của đồng bào dân tộc.

Không trả lời cụ thể đến tình trạng “nhiều hộ không muốn thoát nghèo”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc đồng bào di cư còn tái diễn. Theo ông, nhiều cộng đồng dân cư dù điều kiện rất tốt, hoặc được bố trí tái định cư rồi nhưng vẫn di cư. Giải pháp là tuyên truyền, vận động bà con. Đặc biệt, khi thu hồi đất của người dân để xây dựng dự án tái định cư, phải lo đầy đủ dịch vụ cơ bản để người dân ổn định cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.