Đây là kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg được Bộ LĐ-TB-XH nêu trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gửi phiên họp của Ủy ban Kinh tế sáng nay 30.9.
Kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà thấp hơn dự kiến 54,53% |
T.Tiến |
Theo Bộ LĐ-TB-XH, ngoài 3 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng) không có đối tượng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, 60 địa phương có 129.065 lượt doanh nghiệp với hơn 5,3 triệu lượt lao động đề nghị hỗ trợ với kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 3.800 tỉ đồng, tương đương với 58,44% so với số kinh phí dự kiến của địa phương.
Đến nay, các địa phương đã thực hiện giải ngân số tiền là hơn 3.539 tỉ đồng hỗ trợ cho 5,15 triệu lượt lao động của 120.339 lượt doanh nghiệp (đạt 93,32% so với số kinh phí mà cấp huyện đã tiếp nhận đề nghị và bằng 54,53% so với dự kiến ban đầu).
Theo dự kiến của Bộ LĐ-TB-XH, tổng kinh phí của gói hỗ trợ này là 6.600 tỉ đồng với 3,4 triệu lượt người được thụ hưởng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thấp hơn so với dự kiến ban đầu, tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm.
Nguyên nhân là do năm 2021, khi xây dựng chính sách này, tình hình dịch bệnh đang phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình lao động việc làm của người lao động; doanh nghiệp thiếu hụt lao động do lao động di chuyển về quê. Do đó, các địa phương báo cáo nhu cầu số lượng lao động và dự kiến kinh phí hỗ trợ cao hơn thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên đến cuối tháng 7.2022 hầu hết doanh nghiệp mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, số lượng doanh nghiệp nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng (15.8) gấp 2 - 3 lần số cộng dồn từ tháng 4 đến ngày 14.8.
Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách đã yêu cầu cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ; kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.
Nhiều doanh nghiệp sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.
Trước đó, theo yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH, hết tháng 8, các địa phương phải giải ngân xong gói hỗ trợ nhà trọ, song chỉ tính đến ngày 7.9, mới chỉ có 41 tỉnh, thành hoàn thành giải ngân 100% so với số đề nghị.
Những địa phương chưa hoàn thành giải ngân là những tỉnh, thành có số lượng hồ sơ lớn. Việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của các tỉnh, thành sẽ là một trong những căn cứ để theo dõi, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội ở từng địa phương.
Bình luận (0)