|
Sống trong một thời kỳ đầy biến động nên cuộc đời người con gái tài sắc Ngọc Hân chịu nhiều nỗi truân chuyên, cho đến khi qua đời vẫn còn nhiều chi tiết khiến hậu thế mất thời gian tìm hiểu. Trong đó, cái chết của bà và hai người con với vua Quang Trung là một ví dụ.
Từ những tài liệu chúng tôi đọc được, có thể tóm lược như sau:
Trong tập Nhân vật Tây Sơn do ông Nguyễn An Phong biên khảo hay tác giả tập Thi văn bình chú đều cho rằng, năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) và một số quần thần cùng hoàng tộc thoát chạy ra bắc, còn Ngọc Hân công chúa phải cải trang, thay tên đổi dạng vào lánh nạn ở Quảng Nam. Theo tài liệu đầu, được ít lâu thì bị phát giác, quan quân nhà Nguyễn bắt giải về Phú Xuân và xử theo trọng hình, lối "Tam ban triều điển", tài liệu sau lại nói Ngọc Hân đã uống thuốc độc quyên sinh, hai con cùng chết theo mẹ.
Trong bài lược sử Công chúa Ngọc Hân của Ngô Tất Tố cũng cho là Lê Ngọc Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.
Một thuyết khác xuất phát từ bức thư đề ngày 16.7.1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp tháp tùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú Xuân mà sau này nhiều người nghiên cứu lịch sử dẫn lại, có đoạn: “Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó, họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả 5 công chúa: một cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà công chúa Bắc Kỳ, em này cũng coi được. Còn 3 cô nữa từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương”. Theo suy luận, công chúa Bắc Kỳ viết trong thư chính là hoàng hậu Ngọc Hân và quân Nguyễn Ánh đã bắt được 2 con của vua Quang Trung.
Các giả thuyết trên tồn tại một thời gian dài, tuy nhiên đó đều là ý kiến của các tác giả không phải là người cùng thời hoặc chỉ là mô tả qua thư từ chứ không phải là chính sử hoặc tài liệu có thể coi là cứ liệu lịch sử.
Cứ liệu lịch sử về cái chết của hoàng hậu Ngọc Hân
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 30) thì khi quân Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân khiến quân Tây Sơn thua chạy tán loạn, “Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đem đồ quý giá chạy về bắc bỏ lại sắc và ấn của triều nhà Thanh phong cho, vừa ra khỏi cầu Phú Xuân mấy dặm thì quân đều tứ tán, bèn cùng em là Thái tể Nguyễn Quang Thiệu, Nguyên súy Nguyễn Quang Khanh, bọn đại tư mã Tứ, đô đốc Trừu cưỡi ngựa nhắm lũy Động Hải ngày đêm chạy gấp...”. Trong bối cảnh đó, công chúa Ngọc Hân có 2 con còn nhỏ dại, khó mà chạy thoát.
Theo các nhà sử học, khi phát hiện ra tập Dụ Am thi tập của Phan Huy Ích thì nghi vấn trên dường như đã được giải đáp. Lý do là trong tập này có 5 bài văn tế của Phan Huy Ích soạn vào năm Kỷ Mùi (1799): một bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế, với đề là Kỷ Mùi đông nghĩ, ngự điện Vũ hoàng hậu. Bài văn tế này lời lẽ rất phù hợp với hoàn cảnh của Vũ hoàng hậu tức Ngọc Hân công chúa; một bài soạn cho các công chúa của vua Quang Trung đứng tế; một bài soạn cho bà thân sinh hoàng hậu là Từ Ninh Phù Cung đứng tế; một bài soạn cho các tôn thất nhà Lê đứng tế; một bài soạn cho bà con bên ngoại của hoàng hậu ở Phù Ninh đứng tế.
Bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh, H.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã ghi ngày chết của Ngọc Hân công chúa: “Tốt vụ Kỷ Mùi niên, thập nhất nguyệt, sơ bát nhật” (chết vào ngày mùng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày mùng 4 tháng 12 năm 1799). Như vậy, bà Ngọc Hân đã chết từ 1799 (3 năm trước ngày Phú Xuân thất thủ) là có cơ sở hơn cả.
Vậy còn hai người con bà là công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức thì sao?
Chính sử triều Nguyễn chép: “Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), mùa thu, tháng 7: tỉnh Bắc Ninh có dân xã Phù Ninh ngầm thờ ngụy quỷ. Việc bị phát giác. Vua sai hủy bỏ đền thờ. Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền, làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn Huệ) sinh được 1 trai, 1 gái. Ngọc Hân chết, trai gái cũng chết non cả. Khoảng đầu năm Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả dối, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy đi”.
Đô đốc Hài là một tướng của Tây Sơn không bị Nguyễn Ánh bắt và có thể bí mật dời hài cốt của mẹ con công chúa Ngọc Hân về chôn cất ở xã Phù Ninh, chứng tỏ các con của bà Ngọc Hân cũng đã chết trẻ trước thời điểm tháng 6.1801 khi Nguyễn Ánh về lại Phú Xuân. Điều này phù hợp với những gì ghi lại trong chính sử triều Nguyễn là hai con của bà đều chết non chứ không phải bị hành hình cùng 31 người thân của vua Quang Trung mà lịch sử cũng đã từng nhắc đến.
Nguyễn Thế Thịnh
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 5: Oan giết vua
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 4: Nỗi oan thất thân với vua Gia Long
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 3: Cô độc ở chùa Kim Tiên
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng
>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
>> Khánh thành di lăng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Bình luận (0)