|
Đưa việc làm về với lao động vùng giải tỏa
Một trong những giải pháp tạo việc làm cho người lao động Đà Nẵng được xem là tích cực hiện nay, đó là việc đưa các phiên chợ việc làm về với người dân vùng ven, những khu vực giải tỏa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho hay, việc đưa nhu cầu việc làm về “tiếp thị” tận nơi là một trong những giải pháp tích cực, nhằm tiếp cận người lao động vùng giải tỏa, vùng ven của Đà Nẵng để giúp họ nhanh chóng tìm được công việc thích hợp, giảm thiểu được tỉ lệ thất nghiệp.
Điển hình như mới đây, ngày 5.4, ngày hội Việc làm và tư vấn nghề cho lao động thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất và lao động trong độ tuổi đã được tổ chức tại quận Ngũ Hành Sơn-nơi hiện được xem là một trong những “điểm nóng” về giải tỏa của Đà Nẵng. Với 68 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 2.000 lao động, trong đó có hơn 1.000 lao động phổ thông, vô cùng phù hợp với nhu cầu việc làm của người dân trong vùng. Nguyễn Thị Thanh Hà, (32 tuổi, trú Q.Ngũ Hành Sơn) cho hay, nhà Hà trong diện thu hồi đất sản xuất cho một dự án khu dân cư mới trên địa bàn, nên từ việc là một người tham gia nuôi trồng cùng gia đình, Hà thất nghiệp. Vì vậy, Hà đến để tìm một công việc phù hợp với sức lao động của mình. “Mình thấy có cả chương trình dạy nghề miễn phí được giới thiệu tại chợ, chắc mình sẽ tham gia học nghề gì đấy và làm việc! Hoặc sẽ chọn làm công nhân may mặc và xin đi làm luôn!” Hà chia sẻ.
Cùng với giải pháp đưa chợ việc làm về với người dân vùng ven, ngành Lao động thường binh xã hội còn triển khai nhiều hoạt động dạy nghề miễn phí theo quyết định của UBND TP về việc đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn và lao động đặc thù khác. Theo đó, mức hỗ trợ học nghề từ 1-2,7 triệu đồng, đào tạo 32 nghề, gồm những ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Không những vậy, Sở LĐ-TB-XH còn phối hợp với các địa phương, các hợp tác xã xây dựng các mô hình tổ hợp tác, các nhóm hộ gia đình sản xuất để giải quyết việc làm ngay tại địa phương như: mô hình trồng nấm, mô hình nuôi cá nước ngọt, mô hình hợp tác xã may mặc, mô hình mây tre đan, trồng hoa cây cảnh...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Để thực hiện ráo riết việc giảm tỉ lệ thất nghiệp cho vùng giải tỏa, Sở LĐ-TB-XH TP cũng chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Sở NN-PTNT, phòng LĐ-TB-XH các quận huyện rà soát các mô hình đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa thu hồi đất sản xuất trên địa bàn quận, huyện; đồng thời chọn lọc, đề xuất một số mô hình dạy nghề để triển khai dạy nghề và hỗ trợ các lao động tự tạo việc làm. Theo đó, trung bình mỗi năm, Sở LĐ-TB-XH ký hợp đồng với 10 cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ nhà lưới (cho những mô hình trồng hoa); xây dựng lò hấp, nhà ủ men (cho mô hình trồng nấm); thành lập các tổ hợp để sản xuất, nuôi trồng và giải quyết đầu ra cho các sản phẩm...
Theo ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH, khó khăn lớn nhất hiện nay của những lao động vùng giải tỏa, những lao động ở độ tuổi 30-60, rất khó khăn để vận động họ tham gia học nghề. Và ngay cả khi tham gia học nghề, ở độ tuổi 40-60, cũng sẽ rất khó để doanh nghiệp tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhận thức của lao động nông thôn, lao động đặc thù trong việc đào tạo nghề thông qua các mô hình còn hạn chế; Quy mô sản xuất của các mô hình còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư; Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các mô hình còn chưa nhiều, nên chưa triển khai rộng khắp được...
Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó đề xuất với lãnh đạo TP chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu những chính sách hỗ trợ, các điều kiện cần thiết để nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả như: nguồn vốn vay, lãi suất cho vay, hỗ trợ kinh phí để hướng dẫn kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, hỗ trợ một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như các nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất...
Qua 4 năm (2010-2013), hoạt động dạy nghề của ngành LĐ-TB-XH TP đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 7.700 lao động nông thôn, lao động di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất và lao động đặc thù khác (trong đó có gần 1.400 lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất), với tổng kinh phí đào tạo hơn 9.500 triệu đồng (kinh phí đào tạo cho lao động di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất là hơn 1.700 triệu đồng). Trong tổng số 1.396 lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất được đào tạo nghề, trong đó, tỷ lệ lao động nữ tham gia học nghề chiếm 67,19%, lao động dưới 40 tuổi chiếm 71,06%. |
Diệu Hiền
Bình luận (0)