Giải pháp hạn chế học sinh dùng điện thoại di động trong trường

12/09/2024 06:45 GMT+7

Theo quy định hiện nay, học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Tuy nhiên, hình ảnh học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong trường học vẫn phổ biến. Điều mà xã hội quan tâm là trường học và gia đình quản lý việc các em sử dụng như thế nào để không xao nhãng học tập hay rơi vào những tình huống mất an toàn trên thế giới mạng.

Vậy đâu là giải pháp để HS vừa có thể khai thác tiện ích của công nghệ trong học tập, vừa đảm bảo không lệ thuộc điện thoại?

GV GIÁM SÁT HS NẾU GIỜ HỌC CÓ SỬ DỤNG THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ

Từ nhiều năm nay, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) đã thống nhất với phụ huynh về việc đưa vào nội quy của nhà trường nội dung: "Cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong thời gian học tập tại trường". Theo bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng trường này, như vậy HS không được sử dụng ĐTDĐ kể cả trong giờ ra chơi. Trong trường hợp tiết học, tiết kiểm tra có sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, giáo viên (GV) sẽ thông báo trước để HS chuẩn bị và phụ huynh HS nắm thông tin. Trong các tiết học đó, GV sẽ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát HS sử dụng thiết bị.

Giải pháp hạn chế học sinh dùng điện thoại di động trong trường- Ảnh 1.

Một tiết kiểm tra môn toán qua ứng dụng trên ĐTDĐ tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) có sự quản lý của GV

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tương tự, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) được sử dụng ĐTDĐ vào giờ học nếu GV yêu cầu, và GV phải thông báo trước về tiết học có sử dụng ĐTDĐ để ban giám hiệu nắm thông tin.

Trong trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con em sử dụng ĐTDĐ để liên hệ đón sau giờ học hoặc HS đặt xe công nghệ thì Trường THCS Nguyễn Du quy định phụ huynh thông báo với GV chủ nhiệm. Khi đến trường, trước khi vào giờ học, HS tắt máy, cất vào hộc tủ tại mỗi lớp và chỉ nhận lại sau khi kết thúc buổi học vào giờ tan trường. Nhà trường cũng nêu rõ hình thức xử lý nếu vi phạm khi cố tình sử dụng như: Lần thứ nhất, phê bình; lần thứ 2, viết bản kiểm điểm; lần thứ 3, mời phụ huynh vào trường trao đổi về hình thức quản lý…

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du vẫn không ngừng kêu gọi sự phối hợp của phụ huynh trong việc quản lý HS sử dụng các thiết bị công nghệ.

NÂNG CAO Ý THỨC CỦA HS

Trong nội quy của Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) có quy định các hành vi HS không được làm, trong đó có việc sử dụng ĐTDĐ, máy tính bảng, laptop và các thiết bị không phục vụ việc học tập trong giờ học, giờ ngủ bán trú và giờ sinh hoạt tập trung của nhà trường khi chưa được GV, nhân viên phụ trách bán trú cho phép.

Một GV chủ nhiệm lớp 10 trường này cho biết HS có thể mang theo ĐTDĐ để kết nối với gia đình sau giờ học nhưng yêu cầu thực hiện nghiêm túc nội quy và tự quản lý tài sản, tư trang mang theo. Nếu HS vi phạm nội quy, nhà trường sẽ căn cứ quy định đánh giá kết quả rèn luyện và tính điểm thi đua lớp của năm học để xử lý HS vi phạm.

Còn theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, HS có thể sử dụng ĐTDĐ trong giờ chơi. Vấn đề là giáo dục HS sử dụng đúng nơi, đúng chỗ.

Là GV nhiều năm qua khai thác tính năng công nghệ trong quá trình dạy học để HS sử dụng hiệu quả thiết bị điện tử như ĐTDĐ, iPad, laptop…, ông Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho rằng để quản lý HS sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ thì GV cần xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết và rõ ràng, chuẩn bị các tài liệu học tập số tích hợp vào bài giảng. Điều này giúp HS sử dụng điện thoại như một công cụ học tập thay vì phân tâm vào các ứng dụng khác. Theo GV Phạm Lê Thanh, điều cần thiết là giáo dục kỹ năng sử dụng công nghệ, dạy HS cách sử dụng ĐTDĐ một cách hiệu quả trong học tập. "Việc cấm sử dụng điện thoại trong học tập không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Thay vì cấm hoàn toàn, nên cân nhắc để giáo dục ý thức HS về việc quản lý hiệu quả thời gian, cách sử dụng điện thoại một cách hiệu quả và có trách nhiệm", ông Thanh đề xuất.

Giải pháp hạn chế học sinh dùng điện thoại di động trong trường- Ảnh 2.

Để quản lý học sinh sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ trong giờ học thì giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết và rõ ràng, chuẩn bị các tài liệu học tập số tích hợp vào bài giảng

ẢNH: NHẬT THỊNH


KHUYẾN KHÍCH HS ĐỪNG MANG ĐTDĐ VÀO TRƯỜNG

Ngược lại, Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông (TP.HCM) yêu cầu HS không đem ĐTDĐ vào khuôn viên trường vì bất cứ lý do gì, kể cả khi các em trở về khu nội trú. Thầy Đỗ Văn Trị, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết điều này nằm trong nội quy của trường, trường cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục với phụ huynh, nhưng phụ huynh cũng cần cam kết HS thực hiện các nội quy của trường, trong đó có yêu cầu về "không mang điện thoại vào trường". Nhà trường có giám thị và nhân viên văn phòng hỗ trợ các cuộc gọi, đặc biệt GV quản nhiệm có số điện thoại và hỗ trợ 24/24 để HS có thể liên hệ trực tiếp với phụ huynh khi cần, thậm chí có thể có cuộc gọi video nếu muốn.

Tuy nhiên, từ góc độ một cán bộ quản lý giáo dục, ông Trị hiểu rằng ở các trường học nói chung, cái khó không phải là việc cấm HS mang điện thoại vào trường hay không, mà quan trọng là quản lý HS như thế nào để các em không lạm dụng, không thành con nghiện của ĐTDĐ.

"Mấu chốt ở đây là khuyến khích HS đừng mang ĐTDĐ vào trường, nếu mang vào trường thì phải nằm trong kế hoạch bài dạy của GV. Nếu cần truy cập thông tin, HS có thể sử dụng phòng máy, hoặc những nội dung truy cập có thể thực hiện tại nhà, ngoài giờ học khi chuẩn bị bài. Điều này rất cần sự tự giác của HS, và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà trường", ông Trị nêu ý kiến.

Theo ông Trị, nếu HS được sử dụng điện thoại thoải mái trong trường học, điều đáng ngại là các em đánh mất dần kỹ năng tập trung, không thể theo dõi bài học, dễ tạo những khoảng trống kiến thức… trong khi yêu cầu số 1 của tiết học là tập trung cho nội dung bài học, kể cả khi thầy cô thuyết giảng hay học trò làm việc nhóm. Do đó, việc không dùng ĐTDĐ giúp các em tập trung, tiết học sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Ông Trị cho rằng trường học hiện nay đều có phòng máy tính có thể để các em học tập; hoặc trường có thể trang bị máy tính bảng, hoặc Tab (dạng máy tính bảng có sim, như một chiếc ĐTDĐ nhưng màn hình lớn hơn) để các lớp dùng chung. Trong một số môn học cần đến máy tính bảng này, lớp sẽ học qua đó, rồi thu lại. Điều này giúp quản lý chặt chẽ việc HS lạm dụng ĐTDĐ cá nhân.

"Tôi bảo vệ quan điểm sự tập trung chú ý là yêu cầu số 1 của tiết học. Bản thân thiết bị công nghệ nếu biết khai thác đúng, sử dụng đúng mục đích thì rất tốt nhưng lạm dụng thì không tốt", ông Trị nhấn mạnh. (còn tiếp)

Phụ thuộc vào năng lực quản lý lớp học của GV

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), cho biết: "Việc HS sử dụng điện thoại liên quan đến năng lực quản lý lớp học của GV. Để HS sử dụng sai mục đích là lỗi của GV. Người thầy lúc này cần phải tổ chức các hoạt động học giúp HS tiếp nhận, kết nối thông tin, tri thức và định hướng nội dung truy cập để HS không thụ động trong giờ học".

GV cần có năng lực quan sát, điều khiển lớp học thì mới cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học được. Nếu các em sử dụng sai mục đích thì GV phải phát hiện và điều chỉnh ngay. Như vậy, GV đang dạy HS cách học chủ động, tự giác trong tiếp nhận kiến thức và quản lý bản thân trong giờ học. GV cũng hình thành cho người học kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin để vận dụng vào việc học. Từ đó, hình thành kỹ năng tự học và tự học suốt đời.

Thông tư 32 nhấn mạnh HS chỉ được sử dụng điện thoại khi GV cho phép. Vấn đề này đòi hỏi GV phải có những chỉ dẫn cụ thể về cách thức, phạm vi thông tin cần tra cứu để phù hợp với nội dung học. Chương trình phổ thông mới đang hướng tới việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, hệ thống tài liệu mở. Cho nên việc sử dụng thiết bị điện tử cho mục đích học tập trên lớp là cần thiết nhưng đòi hỏi cao hơn về năng lực quản lý lớp học của GV.

Bích Thanh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.