Giải pháp nào thực hiện tốt quy hoạch Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?

Quế Hà
Quế Hà
22/10/2024 17:54 GMT+7

Sáng 22.10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên đề về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Cơ sở pháp lý sắp xếp lại không gian phát triển

Trực tiếp truyền đạt tại lớp bồi dưỡng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh: "Quy hoạch tỉnh là cơ sở pháp lý để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh".

Giải pháp nào thực hiện tốt quy hoạch Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?- Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải truyền đạt kiến thức về quy hoạch tỉnh cho đội ngũ cán bộ quản lý

ẢNH: T.T.DÂN

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy tối đa nhân tố con người; xem con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng và mục tiêu của sự phát triển.

Trong đó, mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh năng động, làm giàu bền vững từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước. Là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc gia, quốc tế; trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Cũng với mục tiêu trên, đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại. Là trung tâm năng lượng sạch; trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, bố trí không gian phát triển theo nguyên tắc "Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển".

Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ phát triển mạnh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm, thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng; tạo điều kiện thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các thiết bị điện, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ… cho ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Giải pháp nào thực hiện tốt quy hoạch Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?- Ảnh 2.

Lớp bồi dưỡng chuyên đề về quy hoạch tỉnh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức

ẢNH: T.T.D

Trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia

Ngoài ra, Bình Thuận chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG. Nghiên cứu khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên các hồ thủy lợi; rà soát, điều chỉnh diện tích, quy mô quy hoạch điện gió trên bờ theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn.

Xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, có sức cạnh tranh và thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực có tiềm năng.

Giải pháp nào thực hiện tốt quy hoạch Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?- Ảnh 3.

Giải pháp nào thực hiện tốt quy hoạch Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?- Ảnh 4.

Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch và năng lượng quốc gia vào năm 2030

ẢNH: QUẾ HÀ

Song song đó, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận "An toàn - thân thiện - chất lượng" với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh, một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Hồng Hải thông tin thêm: "Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Nghị quyết số 16 về lãnh đạo thực hiện quy hoạch tỉnh. Trong đó xác định các nhiệm vụ giải pháp thực hiện là tập trung quán triệt, tuyên truyền và quản lý quy hoạch theo tổng thể quốc gia; quy hoạch ngành, vùng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển "3 trụ cột" kinh tế của tỉnh gắn với kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển mạnh kinh tế biển, hệ thống đô thị; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.