Giải pháp nhà ở cho người dân vùng thiên tai

14/12/2017 19:17 GMT+7

Nhóm sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vừa đoạt giải nhất cuộc thi Thiết kế kiến trúc với chủ đề 'Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai'.

Với mô hình “Cái kén”, một giải pháp nhà ở cho người dân ở những vùng thường xuyên gánh chịu lũ lụt được nhóm có 3 sinh viên năm 2 gồm: Huỳnh Thị Thùy Dương, Phạm Quang Linh, Cao Hoàng Sơn “trình làng”.
Cái kén có nghĩa là gì? Và vì sao tụi em lại có ý tưởng làm mô hình này? Thùy Dương chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế, tụi mình biết được huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) người dân thường xuyên sống trong cảnh nước lũ dâng cao nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy không giống cái kén thực sự như nhưng tụi mình lấy nó làm hình tượng về sự sống sẽ được tiếp tục, giống như cái kén bung ra sẽ có một sự sống của loài bướm chào đời vậy”.
Theo Hoàng Sơn, cấu tạo của "Cái kén” rất đơn giản và những vật liệu để làm thành mô hình này cũng rất phổ biến. Đại loại nó được thiết kế là một hệ khung sàn hình lục giác, cột là những thanh sắt hộp có các khớp nối ở những vị trí khi "Cái kén" mở ra thì có tấm bao che là vải bạt 2 lớp với chức năng vừa bao che vừa có thể giữ nhiệt.
Để “ngôi nhà” nổi lên mặt nước, Hoàng Sơn cho biết: “Tụi mình dùng những thùng phuy bằng nhựa, loại thường dùng tại các nhà bè nuôi cá ở vùng sông nước. Còn tường sử dụng bằng vải dù hoặc vải bạt 2 lớp để chống thấm. Ngoài ra, còn có các chân neo để neo “Cái kén” vào đất và vào tường nếu nó được di chuyển đi đến một nơi khác. Vì kích thước nhỏ gọn nên “Cái kén” có thể đặt ở các vị trí sau nhà hay tổ hợp lại thành làng”.
Từ trái qua phải: Thùy Dương, Quang Linh, Hoàng Sơn nhận giải nhất cuộc thi Thiết kế kiến trúc với chủ đề “Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai”

Nói về tính tiện lợi của mô hình này, Quang Linh, trưởng nhóm cho rằng: “Diện tích ban đầu của 'Cái kén' khoảng 10 m2, nhưng khi mở rộng thì lên tới 48 m2 và khi chúng ta không cần sử dụng do cơn lũ lụt đi qua thì có thể xếp co lại còn khoảng 4 m2. Ngoài việc dùng cho một gia đình trong mùa lũ thì nó còn có thể trang bị cho các đội cứu hộ. Giá một “Cái kén” khoảng 10 triệu đồng, nhưng nếu sản xuất đại trà giá sẽ rẻ hơn.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch CLB Kiến trúc sư trẻ Việt Nam, đánh giá: “Mô hình này là một giải pháp thực sự thông minh và hiệu quả bởi có tính cơ động, dễ lắp đặt. Hơn nữa, mô hình được làm từ những vật liệu dễ kiếm có sẵn và gần gũi với người dân Việt Nam, chi phí thấp cộng với khả năng thi công lắp ghép nhanh dễ đưa vào thực tế kịp thời ứng cứu với các trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, mô hình này khi liên kết lại với nhau có thể tạo thành cộng đồng dân cư để tương trợ lẫn nhau”.
Cuộc thi do CLB Kiến trúc sư trẻ Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng thiết kế kiến trúc dành cho sinh viên, lấy cảm hứng từ các công trình vị nhân sinh của kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Shigeru Ban (Nhật Bản).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.