Giải pháp thu gom, tái chế rác thải

24/10/2024 19:06 GMT+7

Trung bình mỗi năm tại Việt Nam, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ 10% được tái chế, gần 90% còn lại được đem đi chôn, lấp hoặc thải ra môi trường. Làm gì để tăng cường tái chế rác, giảm phát thải ra môi trường?


Ngày 24.10, SUNTORY PEPSICO VIỆT NAM cùng trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo Hành trình Tái sinh - Vì một Việt Nam xanh . Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa. Mục tiêu là giảm thiểu rác thải, hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

Giải pháp thu gom, tái chế rác thải - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham gia toạ đàm "Hành trình Tái sinh - Vì một Việt Nam xanh"

ẢNH: Q.T

Tại hội thảo, Th.S Nguyễn Thi, chuyên gia từ Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thực trạng: Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó chỉ 10% được tái chế, gần 90% còn lại được đem đi chôn, lấp hoặc thải ra môi trường. Nếu rác thải được phân loại từ nguồn, sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình tái chế, mà còn giảm đáng kể chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc nâng cao nhận thức về phân loại và tái chế cho thế hệ trẻ, không chỉ giúp hình thành thói quen mà còn góp phần tạo ra một tương lai phát triển bền vững. 

Ông Đỗ Thái Vương – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại và Truyền thông, Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết: "Trong suốt 30 năm hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh phát triển và dẫn đầu trong sản xuất kinh doanh, Suntory PepsiCo luôn đặt mục tiêu đi đầu trong những chương trình và sáng kiến phát triển bền vững nhằm đóng góp lại cho xã hội. Thúc đẩy bao bì bền vững là một trong những trụ cột của công ty với cách tiếp cận toàn diện. Từ trong khâu sản xuất, công ty đổi mới, cải tiến bao bì nhằm giảm lượng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái sinh; chuyển đổi bao bì dễ phân hủy, dễ tái sinh và tái sử dụng hơn cũng như thúc đẩy thu gom, tái chế trong cộng đồng". Thông qua những nỗ lực cải tiến bao bì, vỏ chai, mỗi năm Suntory Pepsico giảm trung bình khoảng 5.700 tấn nhựa nguyên sinh trong sản xuất, tương đương giảm phát thải 23.000 tấn carbon ra môi trường.

TS. Võ Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung trên thế giới. Với thực trạng tại Việt Nam, nếu rác thải được phân loại từ nguồn không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình tái chế mà còn giảm đáng kể chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, nhất là sinh viên không chỉ giúp hình thành thói quen mà còn góp phần tạo ra một tương lai phát triển bền vững.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.