“Mất bò mới lo làm chuồng”
Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, với tổng vốn ban đầu lên đến gần 500 tỉ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 1.2011. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào ngày 31.12.2012. Tuy còn chưa đầy 1 tháng, nhưng công trường hiện vẫn ngổn ngang công việc, tất cả 4 gói thầu đều chậm tiến độ, có gói thầu mới chỉ thực hiện được gần 30%; trong khi chính quyền địa phương và chủ đầu tư đang loay hoay bàn hướng GPMB.
|
Trong 4 gói thầu thì 2 gói 1 và 2 thi công phần cầu vượt sông Gianh, phần đường và nút giao thông ở 2 đầu cầu là phải GPMB lớn nhất khi có hơn 30 hộ trên tuyến phải di dời. Thế nhưng chủ đầu tư nhắm mắt bỏ qua khâu quan trọng đó mà tiến hành khởi công dự án để dẫn đến nhiều hệ lụy, lãng phí. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại 2 bờ sông Gianh vẫn còn nhà dân ở chắn ngang. Nhiều nhất là bờ nam sông, thuộc địa phận xã Văn Hóa với 13 hộ chưa di dời. Số hộ này chưa chịu nhận tiền đền bù, di dời vì không có khu tái định cư, tiền hỗ trợ không đủ để làm móng nhà do nền đất thấp, thường xuyên có lụt lớn.
|
Lý giải về việc chậm tiến độ, Ban quản lý dự án khu vực chuyên ngành GTVT (Sở GTVT) lấy lý do khách quan là công trình xây dựng trong vùng có địa chất phức tạp, nên trong quá trình thi công chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế một số hạng mục và thay đổi biện pháp thi công. Những lý giải này không qua được mắt lãnh đạo tỉnh và huyện Tuyên Hóa. Khi bị phản ứng, Phó GĐ Sở GTVT Trần Văn Luận thừa nhận: “Lập dự án ban đầu không có tái định cư tập trung, giữa chừng mới làm tái định cư, không lường trước được!”.
Để giải quyết vấn đề, các ban ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn không có kết quả. Trong cuộc làm việc vào ngày 29.11 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuân chủ trì, Phó chủ tịch UBND H.Tuyên Hóa Nguyễn Thị Tiến đã ứa nước mắt khi trình bày những bất cập, uất ức. Bà Tiến nói thẳng: “Bây giờ, để có mặt bằng sạch là điều vô cùng khó khăn với 15 hộ trên tuyến. Ngay từ đầu, việc khảo sát, thiết kế dự án đã không làm đúng, triển khai dự án thấy vướng mới tính đến làm khu tái định cư. Vận động dân khi chưa xây dựng dễ, giờ làm rồi, cầu có hình dáng rồi thì dân cứ thế mà đi hay đòi yêu sách này nọ. Đây là dự án chạy theo dân. Với số tiền 500 tỉ đồng thì huyện phải mất 35 năm, xã Văn Hóa phải 270 năm mới thu đủ. Tổ chức mời họp dân họ không đi hoặc đi vài hộ rồi nói đủ kiểu, lôi kéo nhau; 3 lần điều xe, mượn người bảo vệ mang 6 tỉ đồng đi nhưng phải cầm về vì họ không chịu nhận. Chúng tôi hết cách rồi!”.
Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuân đã đồng ý chủ trương cho điều chỉnh tăng mức tiền hỗ trợ làm móng nhà cho dân và bắt các đơn vị thực hiện cam kết thời gian hoàn thành để tháng 6.2013 đưa cầu vào sử dụng.
Thực trạng chung
Đáng chú ý, đó không phải là trường hợp duy nhất ở Quảng Bình. Trước đó, Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh dự án cầu Trung Quán với số vốn 90 tỉ đồng (ở H.Quảng Ninh) đã thi công xong phần cầu nhưng chỉ để trơ trọi, dãi nắng dầm mưa giữa sông vì không có đường lên. Ở đầu cầu phía bắc có nhà dân chắn ngang với lý do tương tự ở Tuyên Hóa. Dân không có đường đi chỉ biết nhìn cầu mà thở dài ngao ngán. Một công trình lớn khác do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư là cầu Nhật Lệ 2 (TP.Đồng Hới) được khởi công vào cuối tháng 8 vừa qua với tổng số tiền hơn 936 tỉ đồng. Và hiện chủ đầu tư cũng “chưa biết tính sao” với việc phải di dời hơn 50 nhà dân ở Bảo Ninh. Liệu chăng công trình cũng sẽ trượt dài hơn 3 năm như dự kiến.
Được biết, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Như tại tỉnh Quảng Trị, đơn vị thi công dự án mở rộng QL 1 qua TP.Đông Hà cũng hết khổ vì không có mặt bằng, phải thi công chắp vá đoạn này sang đoạn khác, tháng này sang năm khác. Tổng cộng lại sẽ lãng phí con số khổng lồ.
Trương Quang Nam
>> Giải phóng mặt bằng là “món không ai muốn ăn”
>> Khởi tố Phó giám đốc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng
Bình luận (0)