Ngày 16.11, diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup) lần 2 do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức đã diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Nhiều ý kiến có giá trị được trao đổi tại diễn đàn để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại ĐBSCL.
Thúc đẩy phát triển bền vững
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá: Từ diễn đàn Mekong Startup lần 1 năm 2022 với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp" đến nay đã có nhiều hoạt động thiết thực, đem lại kết quả cao về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho ĐBSCL, đời sống người dân được nâng cao, điều kiện sinh hoạt cải thiện đáng kể.
Điển hình nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên đã được triển khai như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của Đồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau… Cùng với đó là mô hình trồng lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh thuộc Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao của 12 tỉnh ĐBSCL; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Nhờ đó diện mạo trong vùng đã thay đổi, đời sống người dân được cải thiện, góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cũng theo ông Nam, vùng ĐBSCL đã và đang đối mặt với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến động thị trường. Tuy nhiên, với những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng về việc mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ sẽ là cơ hội rất lớn để tạo việc làm và tạo cơ hội thúc đẩy khởi nghiệp. Đó cũng là lý do để Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tổ chức diễn đàn Mekong Startup lần 2.
Hỗ trợ để các chủ thể khởi nghiệp lớn mạnh
Tại diễn đàn, đại diện các công ty, dự án khởi nghiệp xanh của ĐBSCL đã nêu thực trạng phát triển của đơn vị sau khi khởi nghiệp. Đồng thời mong muốn được quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ năng phát triển thị trường, hỗ trợ đào tạo chuyên môn, ứng dụng công nghệ mới, để phát triển và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.
Theo ông Peter Johnson, Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), ĐBSCL còn nhiều khoảng trống về chính sách… Để phát triển nông nghiệp xanh, cần có các giải pháp như phát triển hệ thống giám sát phân tích, cơ sở hạ tầng hỗ trợ; xây dựng kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho các trang trại nhỏ; chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác; cải thiện việc giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước; đào tạo để chuyển đổi ngành nông nghiệp...
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chuyên gia về Đổi mới sáng tạo của Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác công – tư, trong đó tạo không gian hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, khởi nghiệp và cần có các chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh. Bên cạnh đó là nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho người dân địa phương và du khách để tạo nền tảng bền vững cho các hoạt động du lịch.
Chia sẻ tại diễn đàn, Giáo sư Phan Văn Trường, Chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế cho biết, để các Startup phát triển thì cần có những tham tán thương mại để tiếp thêm động lực cho các Startup trong mở rộng thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá: Diễn đàn đã tập trung thảo luận hai bài toán khó. Thứ nhất, là những xu hướng mới, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL. Thứ hai, bài toán trọng tâm của quốc gia và của vùng về thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế. "Sau diễn đàn này, chúng tôi sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến của quý vị để xây dựng, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL".
Bình luận (0)