Giải quyết bảo hiểm xã hội một lần: Sẽ báo cáo Chính phủ

30/03/2015 19:07 GMT+7

(TNO) Xung quanh vụ hàng ngàn công nhân tại TP.HCM đình công vì phản ứng Điều 60 về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết: 'Luật bảo hiểm xã hội 2014 chỉ có lợi cho người lao động. Chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp và những ý kiến hợp lý sẽ báo cáo Chính phủ điều chỉnh'.

(TNO) Xung quanh vụ hàng ngàn công nhân tại TP.HCM đình công vì phản ứng Điều 60 về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết: 'Luật bảo hiểm xã hội 2014 chỉ có lợi cho người lao động. Chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp và những ý kiến hợp lý sẽ báo cáo Chính phủ điều chỉnh'. 

Giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần: Sẽ báo cáo Chính phủThứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp
* Thưa ông, những ngày qua, hàng ngàn công nhân tại TP.HCM đình công thu hút sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH về vụ việc này như thế nào?
“Theo luật trước đây, trong thực tế rất nhiều NLĐ sau khi nhận BHXH 1 lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH. Nhưng các quy định trước đây lại không cho phép để họ tiếp tục tham gia BHXH, tiếp tục tích lũy thời gian để được hưởng tiền lương hưu hàng tháng. Khi thiết kế Điều 60, các trường hợp được hưởng BHXH 1 lần chỉ còn dành cho NLĐ bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, sơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh do Bộ Y tế quy định. Các trường hợp khác Luật BHXH khuyến khích NLĐ có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH trước đó để sau đó nếu có việc làm thì tích lũy thời gian để đủ thời gian hưởng BHXH hàng tháng đến tuổi nghỉ hưu. Bất cứ trường hợp nào đều có lợi hơn so với nhận bảo hiểm một lần”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH 
Doãn Mậu Diệp
- Chúng tôi lấy làm tiếc khi sự việc xảy ra ở Công ty Pouyuen. Vấn đề là ở chỗ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố khi xuống phổ biến Luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực từ 1.1.2016, có những nội dung mới thì người cán bộ hướng dẫn, phổ biến cũng cần am hiểu luật, hiểu được lý do đằng sau của những quy định mới như thế nào. Các quy định mới chỉ nhằm mục đích đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) khi về già. Những thiết kế lần sau phải tốt hơn lần trước, có lợi cho NLĐ chứ không phải cho cơ quan BHXH. Nếu tồi hơn thì không phải là tư tưởng khi xây dựng luật.
* Vậy khi xây dựng Luật BHXH, ban soạn thảo có tính tới các tình huống NLĐ phản ứng về những điều ban hành trong luật hay không? Vì sao điều 60 không giữ nguyên những điều khoản như hiện tại mà lại thu hẹp đối tượng hưởng trợ cấp một lần?
- Khi xây dựng luật, chúng tôi đã lường trước các tình huống. Quá trình xây dựng luật BHXH chúng tôi đã tổ chức tham vấn nhiều lần. Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ tham vấn tại doanh nghiệp. Ngay khi Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật và sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã tổ chức các cuộc làm việc với địa phương, đặc biệt là các cụm công nghiệp.
Tại đó dự thảo luật đã được giới thiệu đầy đủ. Theo luật trước đây, trong thực tế rất nhiều NLĐ sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH.
Nhưng các quy định trước đây lại không cho phép để họ tiếp tục tham gia BHXH, tiếp tục tích lũy thời gian để được hưởng tiền lương hưu hàng tháng. Khi thiết kế Điều 60, các trường hợp được hưởng BHXH một lần chỉ còn dành cho NLĐ bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, sơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh do Bộ Y tế quy định.
Các trường hợp khác Luật BHXH khuyến khích NLĐ có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH trước đó để sau đó nếu có việc làm thì tích lũy thời gian để đủ thời gian hưởng BHXH hàng tháng đến tuổi nghỉ hưu. Bất cứ trường hợp nào đều có lợi hơn so với nhận bảo hiểm một lần.
* Nhưng thưa ông, rất nhiều NLĐ nhất là công nhân làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại cho rằng, họ không đủ sức khỏe để làm việc khi đến tuổi nghỉ hưu. Quy định như vậy gây thiệt thòi cho họ nếu như họ muốn nghỉ trước tuổi?
- Trong trường hợp NLĐ chấm dứt hợp đồng khi chưa đến tuổi nghỉ hưu, thì theo quy định họ vẫn được nhận bảo hiểm thất nghiệp chứ không phải không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào. Nếu NLĐ nghỉ việc trước hạn, luật khuyến khích NLĐ tiếp tục bảo lưu và tham gia đóng BHXH tự nguyện. Nếu có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc thì toàn bộ thời gian đó sẽ được bảo lưu về sau.
Trong thời gian bảo lưu, chẳng may NLĐ từ trần, thì theo quy định họ có thể nhận được tiền mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, thân nhân của NLĐ cũng được hưởng mức trợ cấp tuất 1 lần. Với mong muốn NLĐ được ổn định cuộc sống khi về già, mong muốn họ được chăm sóc sức khỏe thì những rủi ro cũng đã được thiết kế trong luật. Tôi nghĩ phần hưởng lương hưu có ưu thế và có lợi cho NLĐ, gánh nặng về phía BHXH chứ không phải trên vai NLĐ.
* Để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy do công tác tuyên truyền hay do chậm ban hành những văn bản hướng dẫn?
- Khi tuyên truyền phổ biến luật, cần phải nắm chắc tất cả những lý do sau điều luật NLĐ sẽ hiểu hơn. Đối với vụ việc của công ty Pouyuen, ở đây không phải họ phản ứng điều 60 mà họ chưa được phân tích, tuyên truyền, chưa giúp họ nhận ra so với nhận BHXH 1 lần với việc bảo lưu để nhận lương hưu hàng tháng. Công tác tuyên truyền phổ biến luật, đặc biệt là luật mới cần phải cụ thể, sâu sát hơn.
Tuyên truyền không chỉ nhắc lại các điều luật mà cần phải hiểu giúp cho NLĐ, chủ DN hiểu tại sao lại quy định như vậy và quy định như vậy tốt hơn cho NLĐ. Quá trình phổ biến cũng cần lắng nghe các đối tượng mà chúng ta tuyên truyền phổ biến để ghi nhận những trường hợp cụ thể, cá biệt để đưa vào hướng dẫn. Không chỉ luật BHXH mà cả những luật khác. Quá trình xây dựng Nghị định là quá trình tham vấn nhiều bên, được tham vấn tổ chức công đoàn cơ sở.
* Vậy bao giờ Bộ LĐ-TB-XH đã động thái gì tiếp theo? Bao giờ Nghị định hướng dẫn được ban hành. Những kiến nghị của NLĐ có được chỉnh sửa trong Nghị định hay không?
- Trước mắt, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc giải quyết vụ đình công tại Công ty PouYuen, trong đó Bộ LĐ-TB-XH đề nghị thành phố tăng cường tuyên truyền phổ biến, chính sách pháp luật về BHXH. Đề nghị UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện để NLĐ sớm trở lại làm việc.
Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB-XH xây dựng, nghị định thông tư hướng dẫn luật BHXH 2014. Quá trình xây dựng hiện nay vẫn ở trong giai đoạn dự thảo. Luật BHXH có hiệu lực từ 1.1.2016. Bây giờ là cuối tháng 3, nghĩa là còn 9 tháng nữa, chúng tôi có đủ thời gian để tham vấn đại diện chủ sử dụng LĐ, NLĐ, tổ chức công đoàn.
Chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp xung quanh điều 60.
Bộ LĐ-TB-XH cũng mong muốn các tổ chức công đoàn cần tuyên truyền cho NLĐ thấy rõ, trong trường hợp hưởng 1 lần với lương hưu hàng tháng có lợi như thế nào cho NLĐ. Trong trường hợp bất khả kháng và những trường hợp cụ thể NLĐ không thể có điều kiện tiếp tục tham gia hưởng lương hưu mà muốn hưởng BHXH 1 lần, thì Bộ LĐ-TB-XH sẽ ghi nhận và trình Chính phủ. Chắc chắn tới đây, khi thảo luận với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chúng tôi sẽ xác định các nhóm ưu tiên để Chính phủ hỗ trợ 1 phần cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Tất cả những chính đang trong quá trình bàn thảo xem phương án nào tốt nhất, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và phù hợp với khả năng hỗ trợ của ngân sách.
Nghị định dự định sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chủ doanh nghiệp, NLĐ, tổ chức công đoàn và những ai quan tâm đến chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Tôi tin chắc khi dự thảo luật chính thức trình Chính phủ tổ chức CĐ sẽ có nhiều hội thảo, tham vấn với DN và NLĐ để hoàn chỉnh dự thảo, để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng quyền lợi tốt nhất.
Tất cả những ý kiến hợp lý xuất phát từ thực tiễn cần phải điều chỉnh, Bộ LĐ-TB-XH sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội có hướng xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.