Đó là vì nhiệm vụ quan trọng nhất của thí sinh là tập trung làm bài thi chứ không phải chống tiêu cực. Cho nên, nếu thí sinh phải mang thiết bị chống tiêu cực chẳng khác nào Bộ GD-ĐT thừa nhận chưa thể tạo ra một môi trường thi cử công bằng, nghiêm túc.
Nhưng đây cũng chẳng phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng thừa nhận sự bế tắc. Vừa qua, một lãnh đạo của ngành du lịch nước nhà còn nghĩ đến việc thành lập đơn vị chuyên trách xin lỗi khách du lịch. Dường như, ý nghĩ này xuất phát từ việc người lãnh đạo cảm thấy bất lực, vì cứ phải xin lỗi khách du lịch, mà không có biện pháp giải quyết hiệu quả các vấn đề gây ra lỗi.
Tương tự, Bộ Công thương từng đề nghị lực lượng công an phối hợp để xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm dỏm. Trong khi đó, việc đảm bảo mũ bảo hiểm dỏm không tồn tại trên thị trường là trách nhiệm của Bộ Công thương. Vì thế, nếu tiến hành xử phạt như trên thì chẳng khác nào Bộ thừa nhận không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ...
Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình về sự bế tắc của các cơ quan ban ngành khi thực hiện trách nhiệm của mình. Nếu tình trạng này lan rộng, vai trò quản lý nhà nước sẽ không được phát huy hiệu quả. Vì thế, các lãnh đạo bộ ngành, ngay trước khi tiếp nhận vị trí, cần phải đưa ra một nghị trình làm việc cụ thể nhằm giải quyết những tồn tại. Đối với lãnh đạo cấp bộ, những nghị trình như vậy phải trình bày trước Quốc hội để thuyết phục những đại biểu của dân. Đây sẽ là cơ sở để Quốc hội đánh giá tín nhiệm những người đứng đầu các bộ, ngành. Đối với lãnh đạo cấp thấp hơn, nghị trình làm việc cần được trình bày với cấp trên để đảm bảo sẽ đạt những gì kế hoạch đề ra. Chỉ khi nào trách nhiệm được ràng buộc như thế thì người dân mới có thể kỳ vọng những vấn đề được giải quyết triệt để, các cơ quan ban ngành không còn bế tắc trong quản lý.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)