Đó là nhận định của ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo" của tỉnh Lâm Đồng chiều 22.8
Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh việc tổng kết thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị vào thời điểm này của Lâm Đồng là hết sức có ý nghĩa. Các báo cáo phân tích, nhận định chung đã lột tả thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và giải pháp, nhiệm vụ.
Thực tế, tình hình công dân khiếu nại tố cáo (KNTC) ngày một phức tạp, nóng bỏng, số lượng công dân đến gặp lãnh đạo và đơn thư KNTC rất nhiều, không chỉ người trong tỉnh mà cả ở TP.HCM và các tỉnh. Điều này cho thấy chất lượng tiếp dân, giải quyết KNTC còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Người không có thẩm quyền lại tiếp dân, tiếp thay người có thẩm quyền; tiếp nhận đơn thư nhưng không thụ lý giải quyết hoặc thụ lý chậm, thụ lý không đúng, là biểu hiện rất cụ thể trong tiếp công dân. Về nguyên nhân chủ quan là các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền chưa làm tròn trách nhiệm, cho nên dân mới bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Thái Học còn cho rằng, qua đơn KNTC là kênh thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân; nắm được điểm nóng chỗ nào để phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nói chung.
Việc tiếp dân, giải quyết KNTC là nghĩa vụ của tổ chức Đảng và người đứng đầu; quá trình giải quyết đơn thư KNTC của công dân phải đúng trình tự thủ tục; phải giải quyết đúng bản chất của vấn đề, tránh để dân bức xúc. Kết quả của việc giải quyết đơn thư KNTC phản ảnh khả năng và năng lực của người đứng đầu.
Theo ông Trần Đình Văn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên nhân khách quan việc KNTC chủ yếu là do phải thu hồi đất để thực hiện các dự án về kinh tế, xã hội nhưng chưa giải quyết thống nhất, hài hòa được lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng đất. Giá bồi thường đất bị thu hồi thường thấp hơn giá thị trường, trong khi một số chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn bất cập nên trong một số trường hợp chưa có sự thống nhất về quan điểm, cách giải quyết nên phát sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
Những tồn tại có tính lịch sử như việc cho thuê, cho mượn, trưng thu, trưng mua, thu hồi đất, tài sản thực hiện từ nhiều năm trước không có hoặc không lưu giữ được tài liệu, sổ sách gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại. Mặt khác, do sự thiếu hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên KNTC không đúng, gửi đơn vượt cấp, gửi đơn không đúng thẩm quyền…
Bình luận (0)