Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 của khối giáo dục trung học do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện Phòng GD-ĐT TX.Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây có thông tin cho rằng Trường THPT Sơn Tây sẽ trở thành trường chuyên của TP và sẽ không có chỉ tiêu tuyển sinh đại trà. Thông tin này khiến nhiều học sinh (HS), phụ huynh băn khoăn vì hiện nay trên địa bàn có ít trường THPT công lập. Nếu Trường THPT Sơn Tây trở thành trường chuyên và không tuyển sinh hệ đại trà, HS sẽ gặp khó khăn về chỗ học.
TUYỂN HỆ CHUYÊN NHIỀU HƠN KHÔNG CHUYÊN
Liên quan nội dung này, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về quy chế hoạt động của trường THPT chuyên yêu cầu "không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên".
Tại Hà Nội, có 2 trường THPT công lập có lớp chuyên là Chu Văn An và Sơn Tây. Thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT, Hà Nội dự kiến xây dựng, lập đề án xây dựng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành trường chuyên. Tuy nhiên, việc này cần thời gian chuẩn bị. Khi 2 trường này chuyển thành trường chuyên, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại trà của 2 trường như trước đây sẽ không còn. Để bảo đảm chỗ học cho HS, sở sẽ tham mưu TP thành lập các trường THPT công lập mới.
Hiện nay, 2 trường THPT Chu Văn An và Sơn Tây vẫn tuyển sinh HS lớp 10 hệ chuyên và hệ đại trà. Hà Nội có 4 trường THPT trực thuộc Sở GD-ĐT hằng năm tuyển sinh hệ chuyên gồm: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây. Tuy nhiên, trong đó có 2 trường là THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây không được gọi là trường THPT chuyên, dù hằng năm tuyển hệ chuyên nhiều hơn hệ không chuyên. Năm học vừa qua, Trường THPT Chu Văn An tuyển tới 10 lớp cho 10 môn chuyên với 350 chỉ tiêu hệ chuyên và 315 chỉ tiêu hệ không chuyên (7 lớp). Trường THPT Sơn Tây tuyển 9 lớp chuyên với 315 HS, nhưng chỉ tuyển 6 lớp không chuyên với 270 HS.
CẦN LÀM RÕ TRƯỜNG CHUYÊN HAY KHÔNG CHUYÊN
Từ năm học 2021 - 2022, Hà Nội cấp học bổng cho HS trường chuyên với mức hỗ trợ 1 tháng tối thiểu bằng 3 lần mức thu học phí hiện hành (mức học phí hiện nay là 217.000 đồng/tháng). Đây là điểm mới so với mọi năm. Tuy nhiên, điều khiến giáo viên cũng như nhiều phụ huynh băn khoăn là phần học bổng này chỉ cấp cho các HS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ; còn HS hệ chuyên của Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây không được nhận. Lý giải về điều này, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định, chỉ có cơ chế hỗ trợ học bổng cho HS trường chuyên, chứ không hỗ trợ đối với HS thuộc lớp chuyên trong các trường thường hay HS thuộc trường THPT có lớp chuyên. Trong khi đó, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây không phải là trường THPT chuyên.
Như vậy, Hà Nội đang tồn tại tới 2 trường THPT không được gọi là trường chuyên nhưng cũng không thể nói đây là THPT công lập bình thường, vì các lớp chuyên của các trường này còn nhiều hơn so với hệ không chuyên. Hơn nữa, đối chiếu với Thông tư 32 về điều lệ trường THCS và THPT do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2020 thì thấy không có điều khoản nào cho phép có lớp chuyên trong trường THPT không chuyên. Trong khi đó, thông tư mới về hoạt động của trường THPT chuyên của Bộ GD-ĐT cũng không cho phép có lớp không chuyên trong trường chuyên.
Thời điểm Bộ GD-ĐT sửa quy định về trường chuyên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Hà Nội cần làm rõ 2 trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây là trường chuyên hay trường không chuyên. Nếu theo mô hình nào thì phải tuân thủ đúng quy định dành cho loại hình trường đó, tránh sự tồn tại nửa chuyên, nửa không chuyên như hiện nay. Hơn nữa, nếu Bộ GD-ĐT xóa bỏ sự tồn tại của lớp không chuyên trong trường chuyên thì việc tồn tại lớp chuyên trong trường thường vừa gây ra sự bất hợp lý, vừa thiếu công bằng với chính trường chuyên.
Bình luận (0)