Giải quyết triệt để sim rác trong năm 2023

19/12/2022 05:57 GMT+7

Ngày 18.12, tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một trong những tồn tại của ngành TT-TT là vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác còn khá phổ biến. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết trong năm 2023 Bộ TT-TT sẽ giải quyết triệt để sim rác.

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng có nhiều giải pháp kiểm soát sim điện thoại, song vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt sai quy định đến nay vẫn chưa thôi khiến nhiều người dân “đau đầu”.

DAD

Mua sim rác bao nhiêu cũng có

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đối với hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng sim đa năng, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao… Tuy nhiên, tại Hà Nội hay TP.HCM chỉ cần có nhu cầu, người dân có thể dễ dàng mua sim rác (sim kích hoạt sẵn) ở bất cứ đâu, từ các cửa hàng điện thoại, sửa chữa điện thoại, đến quầy tạp hóa.

Sim không chính chủ muốn mua bao nhiêu cũng có

ĐÌNH HUY

Chủ một cửa hàng điện thoại tại P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, sim rác có giá dao động từ 120.000 - 220.000 đồng, tùy từng đầu số và tùy vào thời gian của gói mạng. Tất cả những sim này đều sử dụng như bình thường nhưng không phải đăng ký chính chủ. Nếu mua 50 sim trở lên sẽ có giá ưu đãi, nhưng khách phải đặt trước 1 ngày mới có hàng. Chủ cửa hàng khẳng định tất cả sim này đều chất lượng, nếu gặp vấn đề trong lúc sử dụng có thể mang ra cửa hàng bảo hành.

Sim giá rẻ rao bán trên đường Minh Khai (Hà Nội)

T.HẰNG

Khi được hỏi về việc sử dụng những sim có đăng ký của người khác dễ bị lộ thông tin, thậm chí bị đòi nợ xấu, chủ cửa hàng điện thoại cho hay: “Mua sim rác sẽ không tránh khỏi trường hợp này nhưng đen thì gặp. Sim tại quán tôi rất yên tâm, trường hợp đang dùng bị khóa cũng có nhưng số lượng ít, thường tập trung vào sim của nhà mạng Viettel, họ khóa liên tục… Nếu ngại dùng mạng Viettel có thể chuyển mua sim Vinaphone hoặc MobiFone thì tỷ lệ bị khóa do không chính chủ sẽ thấp hơn”.

Tại một đại lý sim trên đường Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), sau khi được hỏi mua sim rác, sim để vào mạng, chủ quán mang ra hàng trăm sim không chính chủ và giới thiệu với khách. “Nếu bị khóa, dùng lỗi thì nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm bảo hành vì họ là người kích hoạt sim. Ngoài ra, khách mất sim hay gặp vấn đề gì thì vẫn có thể ra cửa hàng làm lại, chỉ cần giữ được vỏ sim”, chủ quán nói về sim rác có tính năng giống hệt như sim chính chủ.

Tại một quầy bán sim thẻ trên phố Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), người bán hàng cho biết: “Mua sim ở đây, không cần giấy tờ tùy thân, chỉ cần kích hoạt theo hướng dẫn, mua thẻ cào nạp tiền là có thể sử dụng nghe, gọi bình thường. Khách mua sim chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động… Họ thấy rẻ, tiện lợi là mua, chứ không quan tâm phải khai báo chính chủ thuê bao hay không”. Một sim Vinaphone đầu 08 giá 70.000 đồng, sim đầu 09 giá 80.000 đồng. Đắt nhất là sim Viettel giá 100.000 đồng; sim Vietnamobile rẻ nhất, chỉ 40.000 đồng.

Trên nhóm “sim rác - sim lô”, nhiều cá nhân rao bán sim rác tất cả các nhà mạng đã kích hoạt với giá rất rẻ, sim còn hạn dưới 3 tháng được bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/sim, sim còn hạn 1 tháng giá 5.000 đồng/sim. Sim chuyên gọi telesales (tiếp thị bán hàng qua điện thoại) không giới hạn, đã kích hoạt sim, máy đầy đủ 270.000 đồng. Ngoài ra, khách có nhu cầu thuê sim rác 5 nhà mạng (Vinaphone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile, Telecom) làm dịch vụ chỉ 2.000 - 3.000 đồng/sim.

Thậm chí, có cá nhân chào bán sim đã kích hoạt sẵn, ship toàn quốc với số lượng lớn hoặc cho thuê sim làm các dịch vụ số lượng lớn lên đến hàng trăm sim, đầy đủ mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel… với lời quảng cáo: “Đang dùng không sợ bị lấy lại”. H.L, một người bán sim trên mạng xã hội cho hay: “Khác với quầy sim thẻ trên thị trường chủ yếu cho khách lẻ, việc mua bán sim rác trên mạng xã hội với số lượng lớn để làm dịch vụ đăng nhập game, gọi telesales... Chúng tôi bán sim của các nhà mạng tạo được tất cả các tài khoản Zalo, Shopee… Khách mua sim yên tâm nhận tất cả mã OTP, code của mọi dịch vụ. Hạn sử dụng sim 60 ngày nhận cuộc gọi và tin nhắn, muốn gọi đi thì nạp thêm tiền”.

Khóa thuê bao tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Nhằm ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, mới đây Sở TT-TT Hà Nội vừa đề nghị 5 nhà mạng: Vinaphone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile, Telecom tạm ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều đối với 33 số điện thoại nhắn tin rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt sai quy định. Các thuê bao này chủ yếu vi phạm liên quan đến quảng cáo cho thuê, mua bán nhà đất, sửa chữa nhà ở, cho vay tài chính, lắp đặt internet, dự đoán World Cup, bán vé ca nhạc… tập trung chủ yếu trên địa bàn Q.Thanh Xuân.

Bà Vũ Hồng Hạnh, Phó chánh Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội, cho biết đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay mà là lần thứ 28 Sở TT-TT có văn bản đề nghị nhà mạng tạm ngừng cung cấp dịch vụ của các số điện thoại thực hiện nhắn tin rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt sai quy định.

“Tính từ đầu năm 2022 đến nay, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ của 882 số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác, gửi tin nhắn rác và quảng cáo rao vặt sai quy định. Chúng tôi đã mời các chủ thuê bao vi phạm đến làm việc, tuy nhiên họ không đến. Chúng tôi đã đề nghị nhà mạng khóa các thuê bao vi phạm”, bà Vũ Hồng Hạnh nói và cho biết thêm: Trong trường hợp chủ thuê bao điện thoại bị khóa có thắc mắc khiếu nại, các doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn họ liên hệ Phòng VH-TT Q.Thanh Xuân hoặc Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội để xử lý.

Ngoài biện pháp khóa thuê bao, bà Hạnh cho hay ngày 9.12 Sở TT-TT đã ban hành quyết định về quy trình “xử lý đối với tổ chức, cá nhân dùng số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn thực hiện cuộc gọi rác, nhắn tin rác và quảng cáo sai quy định”.

Theo đó, quy trình mới 5 bước: tiếp nhận thông tin phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác và số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định; xử lý vi phạm; tổng hợp, ban hành văn bản đề nghị tạm ngừng cung cấp dịch vụ; tạm ngừng cung cấp dịch vụ; khôi phục hoạt động đối với các số điện thoại sau khi chấp hành xử lý vi phạm.

“Quy trình mới nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Sở TT-TT với Sở VH-TT và UBND các quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn trong xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai quy định; tránh chồng chéo trong công tác xử lý và bỏ sót hành vi vi phạm. Đặc biệt, quy trình mới nhấn mạnh việc xử lý đối với các chủ thuê bao tái phạm. Nếu trong thời hạn 1 năm kể từ khi vi phạm lần đầu, chủ thuê bao tiếp tục có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 10 luật Xử lý vi phạm hành chính”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Xem xét đề nghị xử lý hình sự

Ngày 18.12, theo Bộ TT-TT, trong năm 2023, Bộ quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng sim không chính chủ. Song song đó, Bộ sẽ tiến hành triển khai thanh kiểm tra và xử phạt đến các đại lý, các đối tượng đăng ký và sở hữu nhiều sim thuê bao, sim có tài khoản “khủng” và các cá nhân tiếp tay cho các đối tượng này.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán sim rác trên thị trường và việc sử dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo, đe dọa, tống tiền, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân… Thanh tra Bộ TT-TT yêu cầu các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền trên toàn quốc thực hiện nghiêm việc rà soát, chấm dứt ngay hoạt động đăng ký, kích hoạt, mua bán sim không đúng quy định pháp luật; không sử dụng thông tin của chủ điểm, nhân viên điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, thông tin của tổ chức, cá nhân khác để đăng ký trước thông tin thuê bao; mua bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao.

Tuyệt đối không sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các công cụ khác để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức để đăng ký thông tin thuê bao di động. Quản lý chặt chẽ thông tin tài khoản được doanh nghiệp viễn thông cấp để đăng ký thông tin thuê bao; tuyệt đối không cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn tài khoản được doanh nghiệp viễn thông cung cấp để đăng ký thông tin thuê bao di động. Bảo đảm bí mật thông tin thuê bao đúng quy định của pháp luật; không được thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ TT-TT sẽ phối hợp các Sở TT-TT trên toàn quốc tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động; thậm chí sẽ xem xét việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp đã bị xử lý vi phạm nhưng tiếp tục tái phạm; các trường hợp sử dụng trái phép thông tin của tổ chức, cá nhân để đăng ký sim, mua bán sim rác với số lượng lớn theo quy định của pháp luật.

Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Thanh tra Bộ TT-TT đang phối hợp Bộ Công an điều tra việc sử dụng sim đăng ký kích hoạt, sau đó mang đi lừa đảo. Thông qua vụ án này, Bộ TT-TT sẽ kết luận trách nhiệm của nhà mạng, trách nhiệm của đại lý, cũng như trách nhiệm của người đứng tên thuê bao.

“Về nguyên tắc khi chuyển đổi thuê bao phải phải đăng ký lại, nhiều khi người dùng nghĩ đơn giản rằng chỉ nhờ đăng ký thuê bao, nhưng thực sự thông qua vụ việc này là tiếp tay cho tội phạm. Chúng tôi đang nghiên cứu, sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính, tới đây sẽ chế tài xử lý đối với người đăng ký đứng tên thuê bao, sau đó bán cho người khác mà không đăng ký lại”, Thứ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Nỗi ám ảnh hơn 20 năm

Tại TP.HCM, nỗi ám ảnh về quảng cáo rao vặt dán cột điện, tường nhà đã kéo dài hơn 20 năm qua, nhưng chưa có “liều thuốc đặc trị”. Tại phiên giải trình của HĐND TP.HCM về hoạt động quảng cáo mới đây, vấn đề này lại được đặt ra nhưng cơ quan quản lý chưa đưa ra được lời giải để người dân có thể hy vọng một ngày nào đó cột điện, tủ điện, tường nhà sẽ thoát cảnh nhem nhuốc.

Nhiều địa phương đề xuất thu hồi, khóa số điện thoại rao vặt nhưng để thực hiện điều này là không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, cho rằng đối tượng vi phạm không phải số điện thoại mà là người quảng cáo, người trực tiếp dán và người thuê dán quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định.

Chánh thanh tra Sở TT-TT TP.HCM cho rằng, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo việc đăng ký thông tin thuê bao di động chính chủ, chính xác, đầy đủ để người đăng ký phải chịu trách nhiệm về số điện thoại mà mình đăng ký sử dụng.

Trong khi đó, theo Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, thực hiện Chỉ thị 04 ngày 5.11.2018 của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, tính đến ngày 30.11 vừa qua, Sở tiếp nhận thông tin về hàng chục số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn, và đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 52 số điện thoại (của các nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel, Telecom) vi phạm.

Sỹ Đông - Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.