'Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện'

12/10/2023 18:37 GMT+7

Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện... mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc và được ghi nhận khả năng làm việc của người khuyết tật.

Sáng 12.10, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM phối hợp Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (Save the Children) và Quỹ Citi tổ chức hội thảo chuyên đề "Giới thiệu mô hình, giải pháp, cách làm trong việc tiếp cận và giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM" với dự án "Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận các cơ hội việc làm bền vững".

Dự án này đã thiết lập mạng lưới hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, cung cấp các dịch vụ hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật. Sau 6 tháng (từ tháng 5 - 10.2023) triển khai, đã có 338 thanh niên khuyết tật tiếp cận dự án, 51 người khuyết tật đã được học nghề.

'Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện' - Ảnh 1.

Hội thảo giới thiệu mô hình, giải pháp, cách làm trong việc tiếp cận và giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM

TRỌNG NGHĨA

Việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, từ thiện

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, để có được những mô hình và giải pháp tốt thì điều đầu tiên cần đẩy mạnh chính là truyền thông nâng cao nhận thức, quan niệm trong xã hội về người khuyết tật.

Cụ thể, xuất phát từ quan điểm người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện... mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc và được ghi nhận của họ về khả năng làm việc cũng như tạo cơ hội để người khuyết tật được có việc làm.

"Khi người khuyết tật được học nghề và làm việc phù hợp với khả năng, họ sẽ có thêm tự tin để cống hiến, tự tạo ra thu nhập, sống hòa nhập hơn với cộng đồng, xã hội. Nhiều người khuyết tật khởi nghiệp thành công, trở thành chủ doanh nghiệp, sau đó quay lại giúp những người đồng cảnh ngộ với mình", bà Ngọc nói.

'Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện' - Ảnh 2.

Em Trần Thanh Hải, học viên lớp nghề mỹ thuật ứng dụng của Trường chuyên biệt khiếm thính Hy vọng (Q.Bình Thạnh) tặng quà cho đại biểu

TRỌNG NGHĨA

Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, bởi định kiến của xã hội, nhiều doanh nghiệp vẫn còn dè dặt dè dặt khi tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc; nhiều đơn vị chưa có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng dạng tật của người khuyết tật.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Save the Children tại Việt Nam cho biết, hoạt động vì người khuyết tật, cụ thể là với nhóm trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật là một trong những nỗ lực của tổ chức nhằm tăng cường cơ hội học tập và tự chủ cho các bạn trẻ khuyết tật, có định hướng nghề nghiệp và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Qua đó, thúc đẩy vai trò, sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và các bên để xóa bỏ rào cản và xây dựng môi trường sống và làm việc hòa nhập cho các em.

Save the Children cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan ban nghành, cơ quan đối tác trong việc mang lại một môi trường phát triển tốt nhất để trẻ em, thanh niên có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

'Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện' - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Bích Loan phát biểu tại hội thảo

TRỌNG NGHĨA

Phát triển kênh tuyển dụng cho người khuyết tật

Nhiều người khuyết tật là những doanh nhân thành công được mời tham dự hội thảo đã chia sẻ cảm nghĩ của mình. Như ý kiến của bà Phan Thị Phương Dung (khiếm thị, hiện là chủ cơ sở massage khiếm thị Trùng Dương, Q.10, TP.HCM) về việc truyền nghề cho người khiếm thị.

Tại cơ sở massage của bà Dung, người khiếm thị học xong có thể làm việc tại cơ sở hoặc được giới thiệu đến các cơ sở massage khiếm thị khác. Mô hình này đã hỗ trợ tạo công ăn việc làm ổn định cho những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Bà Lê Thị Bích Loan bại liệt từ nhỏ, nhưng với ý chí vươn lên trong học tập, học nghề, bà Loan là tấm gương nỗ lực không ngừng nghỉ, thành công trên con đường học tập và thành danh trong nghề nghiệp. Hiện bà Loan là giảng viên ngành Graphic - Digital Design Đại học Greenwich Việt Nam TP.HCM.

Tại hội thảo, bà Loan cũng phân tích một số khó khăn, rào cản khi người khuyết tật đi làm và đề ra một số giải pháp như: tạo chính sách không phân biệt đối xử, khuyến khích việc tiếp cận các hạ tầng công cộng, khuyến khích doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm, cải tiến các chương trình giáo dục nghề nghiệp, phát triển các kênh tuyển dụng chuyên biệt cho người khuyết tật...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.