Ngày 24.11, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã có buổi làm việc với PV Báo Thanh Niên xoay quanh những vấn đề mà báo nêu. Ông Đỗ Quang Khánh (Phó giám đốc BHXH TP.HCM) nhìn nhận: “Một số vấn đề báo phản ánh qua hai bài viết là có xảy ra trong thực tế, đó là việc triển khai thực hiện chính sách BHYT có chỗ làm chưa tốt; tình trạng quá tải ở bệnh viện khiến người bệnh phải chờ đợi lâu không riêng gì bệnh nhân BHYT; cung cách phục vụ có nơi cũng chưa tốt…”.
Ông Khánh cũng muốn nói rõ hơn một số vấn đề khác, đó là: “Trước đây, HS-SV tham gia BHYT thuộc dạng tự nguyện, nhưng theo Luật BHYT, thì từ tháng 1.2010, BHYT HS-SV thuộc dạng bắt buộc. Theo đó, có quy định về chính sách, chi phí dành hỗ trợ cho các trường đối với việc thu, phát hành thẻ BHYT cho HS là 2% (trước đây là 8%), chi phí dành chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS là 12% (trước đây 20%). Mặc dù số tiền phần trăm trích dành lại cho các trường về hai khoản nói trên mới nhìn thấy ít hơn so với trước, nhưng nếu tính ra tiền thì lại cao hơn, nên khiến một số trường nhầm lẫn chỗ này. Số tiền để lại cho trường cao hơn là vì tiền đóng BHYT của từng HS hiện nay nhiều hơn, và số lượng HS tham gia cũng nhiều hơn. Còn về phần có ý kiến cho rằng, BHYT phải đến từng trường để thu tiền BHYT của từng HS thì không thể, vì luật không cho phép và chúng tôi cũng không thể đi thu từng người như thế. Vì Nhà nước đã quy định, các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, trường học... có nhiệm vụ trong việc thu này”.
Về phần báo phản ánh thái độ phục vụ, một số vấn đề liên quan đến nơi chữa trị là bệnh viện, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHYT (thuộc BHXH TP.HCM) cho biết: “Ngay sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, chúng tôi đã liên hệ với Sở Y tế TP.HCM, và Thanh tra Sở Y tế lần lượt đến làm việc với các bệnh viện có nêu trong bài viết. Mục đích là để làm rõ những vấn đề báo phản ánh cũng như bố trí, điều chỉnh lại nếu có những chỗ chưa hợp lý”.
T.Tùng - N.Lịch - L.Thanh
Bình luận (0)