“Giải thiêng” lá ấn đền Trần: “Lãnh đạo đừng dự lễ khai ấn nữa!”

03/02/2012 03:57 GMT+7

Đó là đề nghị của PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khi nói về giải pháp giảm lộn xộn ở hội đền Trần (Nam Định).

Đó là đề nghị của PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khi nói về giải pháp giảm lộn xộn ở hội đền Trần (Nam Định).

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn nói:

Đầu tiên, theo tôi cũng phải gọi cho rõ đây không phải đền Trần mà là Thái miếu nhà Trần mới đúng.

Theo tôi, cho dù lịch sử có chép về điều này hay không thì việc người ta khai ấn và đóng ấn đã tồn tại. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phân định rõ sự liên tục của đời sống tâm linh tôn thờ vua Trần với việc đón nhận ấn đóng ở đó. Chúng ta không nên nhầm lẫn sự kiện lịch sử với những sinh hoạt tâm linh là sự tiếp tục của lịch sử trên phương diện tâm linh. Chính vì thế, không nên sa vào việc tìm trong thư tịch có chuyện đóng, phát ấn hay không. Thực ra đây là một lễ hội đã được chuyển hóa từ lịch sử thành tâm linh. Ấn của thời Trần là ấn của vua đóng chứ. Mặc dù vậy, tôi nghĩ lễ hội này đang được chuyển hóa một cách tiêu cực, nó cho ta hình dung lệch lạc nhiều hơn là đúng đắn.

 
Lễ khai ấn đền Trần 2011 - Ảnh: Ngọc Thắng

Sự lệch lạc đó theo ông được thể hiện như thế nào?

Nó thể hiện rõ nhất ở chỗ đã gây ra những tổn thất văn hóa.

Đầu tiên, nó thể hiện ở tổn thất hình ảnh, truyền thống. Nó tạo ra tâm lý cầu xin một cách phi lý. Thăng quan, tiến chức, làm giàu đều là nguyện vọng. Nhưng đặt trong không gian của việc xin ấn đền Trần thì nó lại thiếu động cơ trong sáng. Cầu xin như thế trong khi những nghi lễ này vốn để an dân. Lệch lạc đó làm tổn thương hình ảnh các vua Trần. Các vua Trần ở đây đâu phải người đi bán quan bán chức.

Thứ hai, nó tạo ra ảnh hưởng xã hội rất xấu. Bản chất lễ hội truyền thống là cộng cảm cơ mà. Nó phải tạo ra một vòng tay lớn kết nối cộng đồng chứ không phải là tranh đoạt như mấy năm qua tại đền Trần.

Tổn thương thứ ba thấy rất rõ là tạo ra dư luận trái chiều về truyền thống. Tự dưng truyền thống trở thành nơi tranh chấp về nhận thức, rằng nó tốt hay xấu, đúng hay sai. Việc đập một chùa đã là tổn thất, làm sai lạc di sản phi vật chất còn kinh khủng hơn.

Hiện Nam Định đã đưa ra giải pháp là sẽ chỉ phát ấn từ sáng mười lăm đến hết tháng giêng. Trong khi đó, giải pháp của Viện Văn hóa nghệ thuật là nên phát cả năm. Ông nhận định về hai giải pháp này như thế nào?

Tôi nghĩ hai giải pháp này đều có bản chất giống nhau là nhằm kéo giãn mật độ. Nhưng việc tránh tập trung người vào thời gian, không gian thiêng rất khó. Tự thân lễ hội phải hình thành trên các không gian thiêng, thời gian thiêng, bối cảnh thiêng. Nếu anh cứ khai ấn vào nửa đêm mười bốn, rồi bảo người dân cứ về nhà đi mai ông đến, hoặc tới 16, 17 tôi phát cho thì rất khó. Khi đó, người dân sẽ bảo: không, tôi cứ chờ đúng giờ thiêng. Tự thân lễ hội đã thành trên điều này. Những năm gần đây, lãnh đạo còn đến khai ấn thì giờ thiêng càng được khẳng định.

Nếu hoãn việc phát ấn đến sáng mười lăm, có thể người ta biết chờ đợi hơn nhưng chưa có gì khẳng định trật tự an toàn sẽ đảm bảo. Nếu giờ thiêng vẫn quy tụ ở khoảnh khắc đấy thì người ta vẫn chực chờ. Phát ấn quanh năm cũng không ổn vì dân gian đã hình thành chuyện đầu năm cầu cúng, cuối năm tạ lễ rồi.

Vậy theo ông, giải pháp cho hội đền Trần là gì?

Tôi nghĩ giải pháp quan trọng nhất là lãnh đạo phải gương mẫu, 3-4 năm liền không tham gia vào lễ khai ấn nữa. Có thể họ cũng có nhu cầu cá nhân nhưng phải xếp ra sau, để không tạo ra dư luận xã hội theo hướng tiêu cực. Nếu vẫn còn chuyện mười hai giờ đêm mời lãnh đạo đến đóng dấu như vinh dự của thời khắc đó thì sự đông đúc lộn xộn vẫn còn như cũ. Nếu lãnh đạo có tham gia, dân sẽ nói hà cớ gì họ không được đến. Như thế cũng là làm đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 rằng chấn chỉnh Đảng từ nền nếp sinh hoạt. Theo đó cán bộ phải gương mẫu, đảng viên càng gương mẫu, cấp cao càng phải gương mẫu trong sinh hoạt.

Chưa thấy sử sách ghi việc đóng, phát ấn ở đền Trần

“Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định việc đóng, phát ấn ở đền Trần không thấy sử sách nào ghi lại cả. Kiểu đóng ấn ra giấy, hay vải phát, bán cho nhiều vạn người chỉ diễn ra ở đền Trần Nam Định trong thời gian gần đây thôi. Cứ cho là quả ấn xịn đi, là loại “ấn báu”, “ấn vua ban” (như quảng bá), là tục từ xưa đi, nhưng nếu vậy, chắc chắn nó cũng chỉ khuôn trong phạm vi hẹp mà thôi. Người ta làm ra cái ấn là để đóng vào chiếu lệnh, bằng sắc, công văn, sách vở, tác phẩm...  Có ai làm ra cái ấn để đóng suông vào cái chả có nội dung gì. Lại còn từ “lá ấn”, “ấn lộc” tôi thấy nó rất lạ tai! Ngày xưa có ai nói đến từ ấn lộc, ấn vua ban không? Có bao giờ đem “ấn vua ban”, đóng phát, bán cho hàng nhiều vạn người không? Ngay thời loạn, thời mạt cũng chưa thấy sử sách ghi nhận có chuyện đó.

Đến nay vẫn chưa thấy chuyên gia ấn chương nào đem uy tín chuyên môn của mình để đảm bảo đây là ấn cổ, ấn quý. Trong khi đó, bằng nhãn quan của người quan sát thông thường, người ta có thể thấy các bản ấn được phát, bán ở đền Trần gần đây có nhiều khả năng đóng từ một chiếc ấn được chế tác ở hàng chợ cách đây chưa lâu. Tôi nghĩ để giải tỏa mối ngờ vực của đại chúng, chiếc ấn ấy cần được chuyên gia ấn chương giám định, rồi công bố kết quả cho toàn dân biết. Nếu là đồ dởm thì phải dẹp đi, chúng ta chỉ nên bảo tồn cái gì là tốt đẹp, chân chính, là thuần phong mỹ tục mà thôi”.

Thạc sĩ  Phạm Văn Ánh - Viện Văn học

Ngô An
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.