Giải thiêng lễ hội

01/02/2012 09:51 GMT+7

Đến hẹn lại lên, đầu năm dân chúng lại nối nhau đi hội, cúng lễ mặc cho có thể biết trước tâm trạng bức xúc bởi hình ảnh chen lấn, giẫm đạp ở các lễ hội.

Đến hẹn lại lên, đầu năm dân chúng lại nối nhau đi hội, cúng lễ mặc cho có thể biết trước tâm trạng bức xúc bởi hình ảnh chen lấn, giẫm đạp ở các lễ hội.
 
Biến lễ hội thành cúng bái

Lễ hội ngày nay vốn được nhìn nhận như là chốn để thỏa nhu cầu tâm linh cúng bái và vui chơi. Nay khắp nơi rơi vào tình trạng gắn đi hội với đi lễ. Lễ mở cửa rừng ở chùa Hương thành lễ hội chùa Hương, năm nào khai hội cũng dăm bảy vạn người chen chân, giẫm đạp, người sau cúng người trước. Yên Tử mỗi năm hút hơn triệu khách, dịp đầu năm người người kéo về để tỏ tâm nguyện hành hương, cầu lộc ở chốn đất Phật.

GS.Trần Lâm Biền cho rằng đó là cách hiểu thô thiển. “Hội là sự tập hợp một cộng đồng người nhất định, để thực hiện một số điều về lễ. Cúng bái chỉ là nghi thức trong mỗi ứng xử với thần linh, còn lễ hội được thực hiện ở không gian thiêng và thời gian thiêng đã được cư dân chọn lựa một cách cẩn thận.

 
Đánh nhau ở chợ Chuộng (Thanh Hóa): Đánh thật hay đánh chơi? Ảnh: TTVH. 

Người ta thực hiện lễ hội là thực hiện ứng xử văn hóa đối với thần linh, cộng đồng, họ hàng, với chính mình. Suy cho cùng, lễ hội nhằm kéo con người ra khỏi tính cá nhân chủ nghĩa, từ đó nghĩ đến cộng đồng, tìm được vinh quang trong sự đóng góp cho cộng đồng. Con người yêu quý cộng đồng, đỉnh cao nhất là yêu quý dân tộc”.

Dành nhiều năm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa, GS.Trần Lâm Biền nói, lễ hội không chỉ dừng lại ở cúng bái, nhưng phải có yếu tố thần linh ấy mới tạo nên tình yêu thương, ăn sâu vào tâm hồn. Người Việt nhìn nhận thần linh rất duy vật, nên nhiều khi hiểu và ứng xử sai. Ngày xưa đến lễ hội để hòa nhập cộng đồng, nay đến chỉ cầu xin cho chính mình. Kinh tế thị trường nảy sinh tiêu cực, không ít người lộ ra sự đố kị, ghen tị: Đua nhau kiểu “tốt lễ dễ kêu”.

Cẩn trọng phục dựng lễ hội

Cả nước gần 9.000 lễ hội đủ loại, ngày càng gia tăng, đua nở sau thời gian bao cấp bị ngắt quãng. Số lễ hội khổng lồ mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Rất nhiều lễ hội được phục dựng cũng nhằm mục đích ấy, nhưng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tỏ ra quan ngại.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản Văn hóa phi vật thể (Hội Di sản Việt Nam) nói: “Phục dựng phải thận trọng. Ví như lễ tịch điền cũng phải xem thực sự có nên không. Đúng là vua Thái Lan ngày nay cũng đi cày đầu năm, nhưng đó là truyền thống của chế độ quân chủ. Chúng ta bỏ lâu lắm rồi và tính chất cũng thay đổi, chính Bác Hồ đổi thành tết trồng cây”.

Không riêng lễ tịch điền, những lễ khai ấn phát ấn đền Trần cũng gây tranh cãi không kém, do bệnh mở rộng quy mô lễ hội làm sai lệch bản chất, khuyến khích người dân tin theo mục đích cầu quan lộc.

Rồi thì một công đôi ba việc, nhân thể đi hội, đi lễ kiêm luôn du lịch. Thực tế, du khách phát mệt để tránh chen lấn, thì tâm đâu mà thưởng lãm cảnh vật, cũng chẳng mua được chút thảnh thơi sau mỗi chuyến đi.

“Đầu năm, tôi hi vọng mọi người nên đi đền chùa gần nhà, việc gì phải lũ lượt đi đến những nơi cả nước đổ về. Cốt ở cái tâm, chứ đừng nghĩ đến nơi này nơi kia có thể cầu được nhiều thứ hơn. Mặt khác xã hội đang bị kéo vào câu chuyện lễ hội, coi đền chùa là nơi du lịch”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Du lịch di sản nằm trong chiến lược phát triển của ngành du lịch nước nhà. Nhưng hiện mới dừng lại- quảng bá, kích cầu du lịch bằng cách mở hội, nới rộng quy mô, tự tung hô tính linh thiêng để làm du lịch. Trong khi chất lượng cơ sở vật chất chắp vá, không kết hợp nâng cao nhận thức. Chẳng mấy chốc, các điểm lễ hội lớn lại hứng hậu quả quá tải, khản cổ kêu gọi dân đừng ùn ùn kéo đến cùng lúc.

Văn minh đi hội

Biến tướng, tiêu cực, hệ lụy của việc đổ xô đi lễ hội không chỉ có ách tắc, chen lấn, xô đẩy. Thời gian qua, dư luận bức xúc chuyện đổ tiền của đi lễ, đốt đồ mã, rải tiền lẻ khắp chốn linh thiêng. Đầu năm, ngay chốn Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng bị tiền lẻ tấn công. GS.Trần Lâm Biền gọi đó là hành động “đem rác rưởi cõi trần gian ùa vào cõi linh thiêng, biến thần linh thành ra tham ô, bảo hộ cho những người nhiều tiền”.

Ngoài những lễ hội gắn với tâm linh, còn không ít lễ hội thoạt nghe rất bạo lực: đánh nhau cầu may ở chợ Chuộng (Thanh Hóa), ném đá (Phú Thọ)... Mùng 6 Tết, người dân Đông Sơn và vùng lân cận tụ tập về khoảng đất rộng chừng nghìn m2 để choảng nhau, nhận cà chua, trứng thối… để lấy may.

Hội ném đá ở Phú Thọ tương truyền từ thời vua Hùng thứ 18, ném đá nhằm xua đuổi thú dữ khi tiễn Đức thánh Tản lên thuyền. Sau nhiều năm đứt quãng, vài năm gần đây, địa phương khôi phục nhưng thay đá bằng bao vải đựng cát để đảm bảo an toàn. Ngay cả Hội Gióng Phù Đổng cũng có đánh nhau. Nếu ngày xưa chỉ mang tính hình thức, nay nhiều người mượn cớ biến thành cuộc trả ân oán, đổ máu.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói: “Đánh nhau là câu chuyện xã hội, chúng ta không nên đổ hết lên đầu lễ hội. Những người tham gia lễ hội, cộng đồng tại đó nhất là thanh niên cần được giáo dục về ý thức, ứng xử. Điều đó không phải trước và trong lễ hội mới làm mà đó là cả quá trình lâu dài”.

Các chuyên gia văn hóa vẫn khẳng định đi hội tốt, nhưng ngoài chuyển biến ý thức người đi hội, công tác quản lí lễ hội cũng không thể xem nhẹ. Dù nhiều nỗ lực, các ban tổ chức, quản lí ở ta chưa đủ mạnh tay xử tiêu cực. Sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, đền chùa đông nghìn nghịt người nhưng tổ chức đâu ra đấy, không có chuyện xô đẩy, thắp hương vô tội vạ, lễ lạt đặt khắp chốn.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.