Quan phủ ê mặt vì ham đánh trống chầu
Tháng Giêng với người Bình Định ngày xưa là cả một lịch xem hát bội dày đặc, được đưa vào ca dao: Rằm giêng hát bội Phò An/ Đến ngày mười bảy hát sang chùa Bà/ Hai mươi, hăm mốt, hăm ba/ Muốn gần Chợ Rượu, muốn xa Cảnh Hàng/ Chim kêu trên núi Chà Rang/ Em đi xem hát giần sàn mốc meo. Theo các cụ già ở Bình Định, các làng, các xã ngày xưa đều thuê gánh hát hát bội về biểu diễn vào dịp đầu xuân.
Từ số tiền do người dân đóng góp, các vị chức sắc trong làng thuê gánh hát, huy động trai tráng dựng rạp hát ở sân đình, chùa, miếu hoặc khoảng đất trống giữa làng. Các gánh hát được thuê diễn vài ba ngày đêm liên tục, còn khán giả cũng say mê xem suốt ngày lẫn đêm. Thông thường, buổi biểu diễn mở hàng đầu năm bắt đầu từ ngày mùng 2 tết. Do quan niệm của người Việt nên các làng thường chọn các vở tuồng đem lại may mắn, phe ta (phía chính nghĩa) chiến thắng, có đủ trung hiếu, tiết nghĩa, đoàn viên, hội ngộ, có thủy chung…
Trong cuốn Đào Tấn và hát bội Bình Định, cố nhà thơ Quách Tấn cho rằng trước năm 1954, cứ 10 người ở Bình Định thì có từ 6 đến 7 người nghiện hát bội. Mỗi khi có hát bội thì người cầm chầu thường là người có uy tín, có chức sắc như xã trưởng, bá hộ trong làng. Người cầm chầu phải am hiểu tuồng tích, đánh trống khen chê cho đúng lúc, đúng nơi, thay mặt khán giả, biểu lộ trình độ thưởng thức môn nghệ thuật hát bội. Từng âm thanh trống chầu phát ra đều có quy tắc rất nghiêm ngặt. Một tiếng “thùng” gõ vào giữa mặt trống là lời khen hay, hai tiếng “thùng… thùng” liền nhau là lời khen rất hay. Một tiếng “rụp”, “cắc” hay “cắc… cắc” là lời chê trách diễn viên hát không hay hoặc múa không đẹp...
|
Nhà văn Lê Hoài Lương (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) kể, trước năm 1945, có một viên Tri phủ Tuy Phước rất mê hát bội nhưng không rành điệu. Tuy nhiên, viên quan này hay dùng uy quyền để tranh lấy vị trí đánh trống chầu nhưng thường xuyên đánh sai làm diễn viên cụt hứng. Một lần diễn tuồng vào dịp tết, ông Chánh ca Ghềnh (tức ông Võ Ngũ, ở xã Phước An, H.Tuy Phước, Bình Định) đóng vai Phi Hổ (trong vở Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) ra sân khấu hát: “Phản Trụ đầu Châu, Ngô nguyện phế hôn quân chi tàn bạo” tức thì viên quan tri phủ đánh trống liền tay, ném tờ bạc rất lớn lên sân khấu để thưởng.
Bực mình vì tiếng trống chầu làm cấn tài biểu diễn ngay trong vở diễn mở hàng đầu năm, Chánh ca Ghềnh lấy ngọn giáo hất tờ giấy bạc trả lại viên quan. Khi quan hỏi, ông Chánh ca Ghềnh nói: “Hát như vậy mà thưởng lớn đến vậy, lát nữa hát hay hơn lấy chi mà thưởng?”. Viên quan biết mình bị chơi khăm nhưng đành chịu!
Dùng trống chầu bắt lỗi danh ca
Ca dao Bình Định còn có câu: Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi. Theo ông Phạm Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT TP.Quy Nhơn, nhân vật Bầu Đông được dân gian truyền tụng là Chánh ca Đông, tên thật là Dương Chi (1900 - 1957, ở H.Tuy Phước, Bình Định). Ông Chánh ca Đông nổi tiếng nhờ biểu diễn nhiều vai: Địch Thanh (vở Ngũ Hổ bình Liêu), Đổng Kim Lân (vở Sơn Hậu), Lã Bố (vở Phụng Nghi Đình), Lý Phụng Đình (vở Lý Phụng Đình)...
Một lần biểu diễn tuồng Ngũ Hổ bình Liêu ở Gò Bồi (thuộc H.Tuy Phước), Chánh ca Đông đóng vai Địch Thanh ra sân khấu hát đến câu “gá duyên tạm với Trại Hoa” thì bỗng có tiếng gõ vành trống “cắc”, hiệu lệnh dừng diễn. Trong lúc mọi người ngơ ngác, người cầm chầu chất vấn Chánh ca Đông: “Nàng Trại Hoa có thể chỉ ở phòng bên cạnh hoặc phía sau anh không xa lắm, vậy mà anh hát chữ 'tạm' to đến mức như thế thì Trại Hoa sẽ nghe được và cho anh là thằng chồng đểu cáng, sự việc sẽ diễn biến nguy hiểm biết chừng nào?”.
|
Tức thì, Chánh ca Đông lấy mũ Địch Thanh xuống, lúng túng không trả lời được, trống chầu lại nổi lên, một kép đóng Địch Thanh khác từ trong sân khấu bước ra thay diễn. Sau đó 2 năm người ta mới thấy Chánh ca Đông thịt một con heo cúng tổ để trở lại với sân khấu sau những ngày vắng khách mời diễn, và cũng từ đó ông diễn vai này hay hơn trước nhiều.
“Đánh trống không đúng, làm người ta không nghe rõ lời hát, làm diễn viên cụt hứng, làm hạn chế buổi diễn, sẽ bị khán giả chê là dốt. Ở các buổi hát tuồng, nhất là dịp ăn chơi đầu xuân, người cầm chầu còn phải thưởng tiền cho diễn viên mỗi khi hát hay. Hát hay không thưởng hoặc thị tiền mà thưởng lung tung lấy tiếng thì cũng chỉ có tiếng xấu. Mắc mỏ vậy nhưng cũng rất nhiều người thích cầm chầu. Phần thích làm 'thầy' cho sang, phần vì mê hát bội”, nhà văn Lê Hoài Lương nói.
tin liên quan
Hát bội hành tội người ta…Nếu nói rằng loại hình nghệ thuật truyền thống không có chỗ đứng trong lòng người trẻ thì có lẽ người ta chưa biết đến cuốn sách paper-craft Hát bội hành tội người ta của Nguyễn Thị Kiều Diễm.
Bình luận (0)