Giai thoại làng võ - Kỳ 4: Đấu võ kén chồng

25/04/2014 03:00 GMT+7

Theo lão võ sư Phan Thọ (89 tuổi, ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định), câu ca “Trai An Thái, gái An Vinh” gắn với giai thoại bà Tám Cảng, một nữ võ sĩ thời Pháp thuộc.

Theo lão võ sư Phan Thọ (89 tuổi, ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định), câu ca “Trai An Thái, gái An Vinh” gắn với giai thoại bà Tám Cảng, một nữ võ sĩ thời Pháp thuộc.

 >> Giai thoại làng võ - Kỳ 3: Bỏ mạng vì cứu học trò

 Nữ võ sĩ Bình Định biểu diễn võ - Ảnh: Hoàng Trọng
Nữ võ sĩ Bình Định biểu diễn võ - Ảnh: Hoàng Trọng

Một mình đánh cả đám trai làng

Bà Tám Cảng tên thật là Nguyễn Thị Cảng, con gái của ông Hương Mục Ngạt (tên thật là Nguyễn Ngạt), ở làng An Vinh (xã Tây Vinh, H.Tây Sơn, Bình Định). Ông Ngạt được giới võ thuật xem là “sáng tổ” của làng quyền An Vinh. Biết tính con gái ngang ngạnh, ương bướng nên ông Hương Mục Ngạt không cho học võ vì sợ khó lấy chồng. Nhưng mỗi lúc cha dạy võ ngoài sân, Tám Cảng nấu ăn trong bếp lén học theo. Nhờ có năng khiếu, siêng năng luyện tập nên Tám Cảng càng lớn càng giỏi võ, nổi tiếng trong vùng. Ngoài bà Tám Cảng, những người con của ông Hương Mục Ngạt đều là những võ sĩ tên tuổi ở Bình Định thời đó như ông Bảy Lụt (sư phụ của võ sư Phan Thọ), Chín Giác...

“Hồi trẻ, bà Tám Cảng xinh đẹp nhưng thể hình to lớn và rất giỏi võ nghệ. Ở Hội đổ giàn làng An Thái, bà Tám Cảng không ít lần đứng giữa đài đánh ngã không biết bao nhiêu võ sĩ nam ở các làng võ An Thái, An Vinh, Thuận Truyền… Một mình bà ấy đánh ngã cùng lúc 9, 10 thanh niên là chuyện thường”, võ sư Phan Thọ nhớ lại.

Cuốn Võ nhân Bình Định của cố nhà thơ Quách Tấn cũng có kể một giai thoại liên quan đến bà Tám Cảng: Có lần bà ra Thu Xà (ở H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) xem hội xô cỗ do người Hoa tổ chức thì bị mấy thanh niên ở địa phương chọc ghẹo, sàm sỡ. Bà Tám Cảng tát tai và đạp tên sàm sỡ ngã lăn kềnh. Đám thanh niên còn lại liền xông vào đánh bà Tám Cảng. Ban đầu, bà Tám Cảng dùng tay không để chống trả sau đó cướp chiếc đòn gánh bằng tre của một thanh niên khác tả xông hữu đột, khiến nhiều thanh niên dính đòn ngã lăn, cây, gậy văng ra ngoài...

Gái đẹp giỏi võ

Theo võ sư Phan Thọ, khi đến tuổi lấy chồng, bà Tám Cảng càng xinh đẹp, nổi tiếng giỏi võ nên được nhiều chàng trai để ý. Ông Hương Mục Ngạt biết rất khó có người chồng nào khắc chế được bà Tám Cảng nên thách chàng trai nào đánh thắng bà thì sẽ nhận làm con rể. Nhiều chàng trai đến thử sức đều bị bà Tám Cảng đánh bại. Thậm chí, có người mang trầu cau, nhờ mai mối đến dạm hỏi nhưng nghe đấu võ nghệ cùng Tám Cảng thì tự rút lui. Tiếng tăng bà Tám Cảng vì thế mà càng vang xa nhưng số người đến dạm hỏi càng ít dần.

Khi bà Tám Cảng đã ngoài hai mươi tuổi, có ông Dư Hữu ở làng Tiên Thuận tìm tới nhưng đấu được vài chiêu cũng bị bà Tám đá văng xuống ao cá trước nhà. Ông Dư Hữu tiếp tục tìm thầy học võ và năm sau lại sang thách đấu. Trong khi giao đấu, Tám Cảng định giở thế đá cũ nhưng Dư Hữu biết trước tránh được và nắm cổ chân quẳng bà nằm dài trên bờ giậu. Hai người nên duyên vợ chồng.

Sống với nhau được vài năm, vợ chồng bà Tám Cảng vẫn không có con nhưng lại thường xảy ra bất hòa, luôn gặp phải chuyện “hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại”. Trong một lần như vậy, Dư Hữu lia cái chén sành vào mặt vợ, Tám Cảng vừa đưa tay bắt rồi ném lại. Dư Hữu cả giận sẵn cái dao chuốt mây trong tay phóng sang, Tám Cảng né người tránh được. Sau đó, vợ chống họ chia tay. Bà Tám Cảng bỏ vào miền Nam rồi không ai rõ tung tích.

Ngày nay, võ đường ông Hương Mục Ngạt ở làng An Vinh ngày xưa vẫn còn dấu tích sân luyện tập, giếng nước, ao cá… Những hậu sinh của dòng họ này tuy không nổi tiếng như cha ông đời trước nhưng đều luyện tập võ nghệ, con gái dòng họ này cũng cao lớn và đẹp gái như bà Tám Cảng ngày xưa.

Khác với giai thoại truyền tụng trong giới võ thuật, gia phả dòng họ Nguyễn chép rằng bà Tám Cảng có chồng tên là Nguyễn Hữu ở làng Phú Phong (nay là thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn). Vợ chồng bà Tám Cảng có một người con trai tên Nguyễn Bạch Hổ. Ông Hổ có 5 người con, trong đó có 2 người là Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Hồng Hải đang sinh sống tại Quy Nhơn.

Ông Hồ Văn Tạo (ông Năm Tạo, cháu rể ông Bảy Lụt), người viết gia phả dòng họ Nguyễn ở An Vinh, kể: “Sau khi cưới chồng, có với nhau một người con, bà Tám Cảng vẫn thường bỏ nhà đi lưu lạc giang hồ về phía nam. Lần cuối gia đình liên lạc được với bà Tám Cảng là khi bà ở Q.1, TP.HCM. Sau năm 1975 thì không ai biết tung tích bà Tám Cảng đâu nữa. Do bà đi lưu lạc giang hồ khắp nơi nên có nhiều giai thoại về bà, trong đó có giai thoại không chính xác”.

Hoàng Trọng

>> Giai thoại làng võ - Kỳ 2: Võ sư mê hát bội
 >> Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ
 >> Dấu ấn Rémy Huỳnh trong làng võ Việt
 >> Làng võ Phú Yên có hội cựu võ sinh
 >> Người đàn bà nổi danh trong làng võ quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.