Giai thoại làng võ - Kỳ 6: Những trận đài vang danh

27/04/2014 01:20 GMT+7

Giới võ thuật ở Bình Định vẫn thường kể lại những trận đài làm nên tên tuổi của nhiều võ sư, võ sĩ vào những năm trước 1975.

Giới võ thuật ở Bình Định vẫn thường kể lại những trận đài làm nên tên tuổi của nhiều võ sư, võ sĩ vào những năm trước 1975.

 
Một trận đấu đài được tổ chức tại TP.Quy Nhơn - Ảnh: võ sư Hồng Kha cung cấp

Theo võ sư Kim Đình (73 tuổi, ở TP.Quy Nhơn), những năm trước 1975, những trận so tài giữa cố võ sư Huỳnh Tiền, có biệt danh là “Cáo già miền nam” và “Hùm xám miền trung” Hà Trọng Sơn bao gìờ cũng hết sức thu hút. Cố võ sư Hà Trọng Sơn (1920 - 2010), sinh tại làng An Hòa (xã Phước An, H.Tuy Phước, Bình Định) trong gia đình có truyền thống võ học. Tên tuổi của ông bắt đầu được biết đến vào năm 1943, khi võ sư giành chiến thắng trước võ sĩ F.Nicolai (Pháp) tại Đại hội quyền thuật Đông Dương diễn ra ở Nha Trang. Năm sau, ông đánh thắng võ sĩ người Pháp Esperpaire. Liên tiếp những năm sau đó, Hà Trọng Sơn giành chức vô địch miền Trung trong những lần thi đấu võ đài tại các hội chợ ở Bình Định,

Đà Nẵng… Kỳ phùng địch thủ

Trong khi đó, cố võ sư Huỳnh Tiền (sư phụ của võ sư, đạo diễn điện ảnh Lý Huỳnh) từng vô địch Đông Dương quyền tự do, tay đấm số 1 ở miền Nam lúc bây giờ. Lần đầu tiên so tài tại Đà Nẵng vào năm 1952, Hà Trọng Sơn giành chiến thắng trước Huỳnh Tiền nên báo chí đương thời gọi ông là “Hùm xám miền trung”. Hàng chục năm sau đó, nhiều trận đài giữa hai võ sư này đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khác nhau trong nước, thắng, thua, hòa đều có. Trận đài cuối cùng giữa hai võ sư này diễn ra vào năm 1983 tại tỉnh Gia Lai, võ sư Hà Trọng Sơn giành chiến thắng.

“Khi đấu trận đài cuối cùng với nhau, trong khi võ sư Hà Trọng Sơn cao to, nặng trên 80 kg thì võ sư Huỳnh Tiền chỉ tầm trên 50 kg nhưng hai người thi đấu rất cân tài, cân sức. Dù thi đấu rất căng trên võ đài nhưng ngoài đời thì hai võ sư này là những người bạn thân thiết”, võ sư Hồng Kha (Phó chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền TP.Quy Nhơn), học trò võ sư Hà Trọng Sơn, kể lại.

Tháng 8.1960, tại thị xã Bồng Sơn, võ sĩ Hà Trọng Sơn có trận so đài để đời với võ sĩ Ku Xam Thum (ở Xoài Mút, Tiền Giang), người Việt gốc Thái. Trước đó, võ sĩ Ku Xam Thum đã đánh thắng một võ sĩ có tên tuổi ở Bình Định là Đỗ Thanh Trì. Lãnh đạo Hội Quyền thuật miền Trung đã tổ chức một trận đài 6 hiệp đấu, luật thi đấu tự do giữa Ku Xam Thum và người thách đấu Hà Trọng Sơn, sư đệ của Đỗ Thanh Trì. Vào trận, hai võ sĩ với thân hình vạm vỡ, công phu nhanh nhẹn, quyền cước linh hoạt liên tục tấn công.

Gần cuối hiệp thi đấu thứ 6, Ku Xam Thum lao người nhập nội quyết tâm hạ đối thủ bằng thế "Niết chốt quai cằm, xả thây thạch trụ" sở trường. Võ sĩ Hà Trọng Sơn liền sử dụng chiêu "Đề khí thiết công phục lôi hổ giáng" (gióng trảo bấu vai, lật đầu tháo khớp). Một tiếng thét vang lên, võ sĩ Ku Xam Thum ngã quỵ, bất tỉnh. Trọng tài tuyên bố Hà Trọng Sơn giành chiến thắng.

Độc chiêu phá ngũ môn

Tháng 5.1959 diễn ra những trận thượng đài giữa các võ sĩ chủ nhà Bình Định và võ đài lưu động “Bạch Nhạn miền Tây”. Trận đài đêm đầu tiên, võ sĩ Lê Công Thạnh (ở Củ Chi, Sài Gòn) của võ đài lưu động “Bạch Nhạn miền Tây” giành chiến thắng trước võ sĩ Đoàn Thế Lương (ở An Nhơn, Bình Định) của đoàn Bình Định. Trận đài đêm thứ 2, võ sĩ Thân Đình Khôi (ở Bình Chánh, Sài Gòn) thua trận trước võ sĩ Lê Trọng Đải (ở An Nhơn, Bình Định).

Hai bên hòa nhau nên trận đài đêm cuối cùng càng được trông đợi, khán giả đến chật kín hội trường. Võ sĩ Lữ Bằng Phi (ở Hóc Môn, Sài Gòn) có biệt danh “Gấu trắng” được Tổng cuộc Quyền thuật trung ương xếp hạng A1, có thế võ sở trường “Nhất cú đoạt mệnh quyền”. Phía Bình Định đưa ra võ sĩ Bùi Thanh Long (ở H.Tuy Phước), biệt danh Thành Long, xuất thân từ phái Tây Sơn võ đạo Việt Nam, ra thi đấu. Võ sư Huỳnh Tiền và võ sư Trần Khương làm trọng tài.

Sau 5 hiệp cân bằng đến hiệp thứ 6, võ sĩ Lữ Bằng Phi dùng thế sở trường “Nhất cú đoạt mệnh quyền” đầy uy lực nhưng võ sĩ Thanh Long cảnh giác, vội nghênh chiến khắc chế với chiêu ruột “Độc chiêu phá ngũ môn”. Bỗng mọi người nghe tiếng “cạch” khô khan, kèm theo đó là tiếng bịch nặng nề, thân hình đồ sộ của võ sĩ Lữ Bằng Phi ngã xuống sàn đài. Ban tổ chức tuyên bố đoàn Bình Định giành chiến thắng. 

Hoàng Trọng

>> Giai thoại làng võ - Kỳ 5: Người Bình Định thi võ
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 4: Đấu võ kén chồng
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 3: Bỏ mạng vì cứu học trò
>> Giai thoại làng võ - Kỳ 2: Võ sư mê hát bội
>> Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.