Giai thoại nữ nhân xinh đẹp, đánh gục bao trai tráng và tỉ võ chọn chồng

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
23/06/2019 10:12 GMT+7

Nhân vật trong câu "trai An Thái, gái An Vinh" là bà Tám Cảng giỏi võ, xinh đẹp, hạ gục cùng lúc 9, 10 thanh niên. Cha bà thách ai đánh thắng bà thì sẽ nhận làm con rể. Nhiều người thử sức đều bị đánh bại.

An Vinh, An Thái nằm cách nhau một dòng sông Côn, đều là những làng võ nổi tiếng ở Bình Định, nơi được mệnh danh là “Đất võ, Trời văn”. Hai làng này từng có nhiều võ đường, sản sinh ra nhiều võ sư huyền thoại.

Làng võ một thời nức tiếng

Hỏi chuyện làng võ An Vinh, An Thái, lão võ sư Trần Dần (75 tuổi, thôn An Vinh, xã Tây Vinh, H.Tây Sơn, Bình Định) thở dài rồi trả lời đầy hoài niệm: “Đấy là chuyện thời xưa, đã qua lâu lắm rồi”.

Thời xưa, qua lời kể của võ sư Trần Dần, đi khắp làng An Vinh hay làng An Thái cũng vậy, dù sáng, chiều hay buổi tối đều nghe tiếng hô của người luyện quyền, múa côn. Ra bờ sông Côn, nhìn bờ bên này An Vinh hay bờ bên kia An Thái đều có các nhóm thanh niên cởi trần luyện võ.

Mỗi ngày, võ sư Trần Dần đều theo sư phụ của mình là võ sư Hương Kiểm Mỹ ra bờ sông Côn, buổi sáng khi nước lên thì chạy dưới dòng sông để luyện thể lực, trưa nắng thì lăn mình trên bãi cát nóng để luyện ý chí, độ lì của thân thể… Nhiều đêm, thanh niên 2 làng An Vinh, An Thái thường kèo nhau ra bãi cạn giữa dòng sông Côn để phân tài cao thấp, người xem đứng thành hàng dài, đốt đuốc sáng trưng, hò hét cổ vũ vang dội khắp nơi…

Làng An Vinh nằm sát mé sông Côn HOÀNG TRỌNG
Lão võ sư Trần Dần HOÀNG TRỌNG

Trước năm 1945, An Vinh là làng quê trù phú, người dân sinh sống bằng nghề làm ruộng, một số ít làm nghề buôn, chài lưới… Thanh niên trong làng thường chất phác, cần cù, chăm chỉ làm ăn. Làng An Vinh bắt đầu nổi tiếng giỏi võ từ thời ông Hương Mục Ngạc (tên thật là Nguyễn Ngạc), người được mệnh danh là ông tổ của làng võ này. Tiếp sau đó là những người con của ông Ngạc như: Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác và các học trò như: Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Hai Tửu…

Làng An Thái (xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn, Bình Định) có nhiều gia đình xuất thân là người gốc Hoa, rất yêu thích võ thuật. Trai làng An Thái rất hào hoa, đa số biết võ nghệ, thường đi chơi khắp nơi…

Võ sư Tàu Sáu (tên thật là Diệp Trường Phát) là ổng tổ của các võ đường ở làng An Thái. Sau này, làng An Thái có 4 lò võ lớn là: Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang (tức phái Tàu Sáu) và Hồ Hoành.

Theo võ sư Trần Dần, câu "trai An Thái, gái An Vinh" thoát thai từ câu "trai An Thái, gái Phú Đa" của tục ngữ Bình Định để nói đến phong thái con người: trai An Thái người cân đối, gọn gàng, đẹp trai còn gái Phú Đa nổi tiếng xinh đẹp, nết na. Về võ thuật thì câu "trai An Thái, gái An Vinh" gần đúng vì gái An Vinh có rất nhiều anh hùng hào kiệt như ở An Thái chứ không phải để nói trai làng này hơn trai làng kia.

Cô gái An Vinh đánh gục cùng lúc 9, 10 thanh niên

Theo võ sư Trần Dần và ông Hồ Văn Tự (cháu rể ông Bảy Lụt, người viết gia phả dòng họ và võ đường của ông Hương Mục Ngạc), nhân vật “gái An Vinh” trong câu ca dao “trai An Thái, gái An Vinh” là bà Tám Cảng, tên thật là Nguyễn Thị Cảng, con gái của ông Hương Mục Ngạc. Biết tính con gái ngang ngạnh, ương bướng nên ông Hương Mục Ngạc không cho học võ vì sợ khó lấy chồng. Nhưng mỗi lúc cha dạy võ ngoài sân, bà Tám Cảng nấu ăn trong bếp lén học theo. Nhờ có năng khiếu, siêng năng luyện tập nên Tám Cảng càng lớn càng giỏi võ, nổi tiếng trong vùng.

Lão võ sư Văn Xuân Ngọc truyền dạy võ cho cháu gái Văn Thị Mỹ Tiên HOÀNG TRỌNG
“Bây giờ, thế hệ trẻ chỉ tập trung học văn hóa, ít có thời gian luyện võ nên thương hiệu gái An Vinh xinh đẹp, giỏi võ đang mai một dần. Tôi chỉ mong con cháu, dù là trai hay gái cũng nên gắng sức giữ lại vốn võ nghệ của gia đình, đừng để nó mất đi"
Võ sư Văn Xuân Ngọc

Võ sư Trần Dần kể, hồi trẻ, bà Tám Cảng có thể hình to lớn và nổi tiếng xinh đẹp, giỏi võ. Mỗi khi có đoàn tổ chức hát tuồng ở dọc bờ sông Côn, trai tráng 2 làng tập trung đi xem. Nhiều lần, thanh niên làng An Thái kéo nhau trêu ghẹo hay sàm sỡ bà Tám Cảng đều bị bà đánh cho bỏ chạy tan tác. Ở Hội đổ giàn làng An Thái, bà Tám Cảng không ít lần đứng giữa đài đánh ngã không biết bao nhiêu võ sĩ các làng võ An Thái, Thuận Truyền…

“Có lần người ta tổ chức hát bội ban đêm ở làng Mỹ Yên, bà Tám Cảng đi bán bánh kẹo được nhiều thanh niên mua vì bà rất xinh đẹp. Đang bán thì thấy em trai mình là ông Chín Giác bị toán thanh niên làng khác vây đánh bị thương liền xông vào giải vây. Một mình bà tả xung hữu đột khiến đám thanh niên phải dạt ra, bà Tám Cảng cõng em trai chạy thoát ra ngoài. Một mình bà ấy đánh ngã cùng lúc 9, 10 thanh niên là chuyện thường”, võ sư Trần Dần kể.

Tỉ võ chọn chồng

Giai thoại ở làng An Vinh và trong sách Võ nhân Bình Định của cố nhà thơ Quách Tấn cũng kể nhiều giai thoại về việc bà Tám Cảng một mình đánh nhau với nhóm thanh niên ở các làng khác mà không hề nao núng. Ông Hương Mục Ngạc thách chàng trai nào đánh thắng bà thì sẽ nhận làm con rể. Nhiều người đến thử sức đều bị bà Tám Cảng đánh bại.

Lúc ấy, ông Dư Hữu ở làng Tiên Thuận cũng tìm tới nhưng đấu được vài chiêu thì bị bà Tám đá văng xuống ao cá trước nhà. Ông Dư Hữu tiếp tục tìm thầy học võ và năm sau lại sang thách đấu. Trong khi giao đấu, Tám Cảng định giở thế đá cũ nhưng Dư Hữu biết trước tránh được và nắm cổ chân quẳng bà nằm dài trên bờ giậu. Hai người nên duyên vợ chồng. Sống với nhau được vài năm, vợ chồng bà Tám Cảng không có con nhưng lại thường xảy ra bất hòa nên phải chia tay. Sau đó, bà Tám Cảng bỏ vào miền Nam rồi không ai rõ tung tích.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Tự khẳng định giai thoại dân gian và một số thông tin viết về bà Tám Cảng trong sách Võ nhân Bình Định không chính xác. Bà Tám Cảng có chồng tên là Nguyễn Hữu ở làng Phú Phong (nay là thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn). Vợ chồng bà Tám Cảng có một người con trai tên Nguyễn Bạch Hổ. Sau khi có con, bà Tám Cảng vẫn thường bỏ nhà đi lưu lạc giang hồ rồi mất tích.

Sau thời bà Tám Cảng, làng An Vinh cũng có rất nhiều phụ nữ giỏi võ nghệ như cụ Nguyễn Thị Tùng (88 tuổi, con gái ông Bảy Lụt), Nguyễn Thị Cúc (89 tuổi, con gái võ sư Nguyễn Giao), Phan Thị Bốn… Sau thế hệ này, những cô gái An Vinh vừa xinh đẹp vừa giỏi võ ngày càng ít dần.

Võ sinh Văn Thị Mỹ Tiên biểu diễn võ HOÀNG TRỌNG

Hiện ở làng An Vinh chỉ còn 2 võ đường đang hoạt động. Trong đó, võ đường Trần Dần đang có khoảng 40 võ sinh nhưng chỉ có  tầm 15 em nữ. Võ đường của võ sư Văn Xuân Ngọc có 15 võ sinh, trong đó có 5 em nữ. Theo ông Hồ Văn Tự, cha con ông Hương Mục Ngạc ngày xưa nổi tiếng giỏi võ nhưng bây giờ con cháu không nối được nghiệp, còn về nữ thì cả làng An Vinh chẳng ai lấy võ thuật làm kế mưu sinh.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, đi đứng khó khăn nên võ sư Văn Xuân Ngọc đã giao lại võ đường cho con trai là võ sư Văn Xuân Hùng trông coi. Hàng ngày, ông chỉ chuyên tâm bồi dưỡng võ nghệ cho cháu gái Văn Thị Mỹ Tiên, hiện đang học lớp 11. Ông nội quyết tâm, cháu gái kiên trì nên gia đình hy vọng trình độ võ thuật của Mỹ Tiên ngày càng thăng tiến để kế nghiệp gia truyền. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.