Nuôi dạy con luôn là điều quan tâm hàng đầu của các bà mẹ, nhất là vấn đề ăn uống. Bao lần mẹ phát mệt khi con từ chối những món ăn mẹ chuẩn bị công phu từ công thức dinh dưỡng đến trang trí mà không rõ cơn cớ. Thậm chí chuyện bữa ăn của con đã không ít lần trở thành hồi đấu trí căng thẳng giữa mẹ với bà nội, bà ngoại vì khác biệt thế hệ.
Với mong ước: Tất cả các em bé đều yêu thích việc ăn uống, biết ơn thức ăn, biết tận hưởng bữa ăn mỗi ngày trong niềm vui thích, còn tất cả các bà mẹ Việt Nam đều hài lòng trong mỗi bữa ăn cùng con, tác giả Mai Phùng viết Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ (NXB Kim Đồng, 2020) bằng sự đồng cảm, thấu hiểu trong việc nuôi con, đặc biệt là những bữa ăn đơn giản hằng ngày.
Hóa giải những hiểu lầm của mẹ trong bữa ăn của con
Người đọc sẽ thấy mình trong những hiểu lầm thường thấy được tác giả dẫn ra trong Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ. Đi kèm với những mong muốn, kỳ vọng con ăn ngon, ăn khỏe mà vô tình mẹ đã quên mất con cũng có cảm xúc và khẩu vị riêng. Chúng ta quen nghĩ trẻ con thì cho gì ăn nấy chứ biết gì mà đòi hỏi, vì vậy mà thực đơn bữa ăn của bé hoàn toàn được thiết kế theo “chiến lược” của mẹ là chính.
Mẹ luôn bấn loạn trong những cách thức khác nhau. Đến bữa ăn của con, ngoài chuyện cho con xem tivi, Ipad, thấy con từ chối mẹ vẫn cố gắng kéo con vào trò chơi “thi ăn nhanh” hoặc đánh lừa trẻ bằng câu nói “con không ăn là mẹ không thương con đâu”. Tất nhiên, không ít ba mẹ vẫn tặc lưỡi: “Chịu khó một chút, con lớn hẳn nó sẽ tự biết ăn”.
|
Tự nhận mình là người mẹ vụng về, không nấu ăn ngon và chưa thành công nhưng những bữa ăn cùng hai bạn nhỏ Turbo, Turbin vẫn là bữa ăn của trải nghiệm yêu thương. Với tác giả, giải pháp đôi khi là những điều rất đơn giản. Yêu thương, kết nối, thấu cảm, tôn trọng cơ thể và khẩu vị của con là những bước đi mẹ cần áp dụng để hóa giải những hiểu lầm bấy lâu nay. Dinh dưỡng có nhiều trường phái khác nhau và trẻ con cũng như người lớn, các bé sẽ có những khẩu vị riêng. Tìm ra khẩu vị của con chính là chìa khóa để con có thể hợp tác vui vẻ cùng mẹ trong từng bữa ăn.
Bài tập giúp mẹ có thể làm quen với việc hiểu về nhu cầu của con bao gồm việc đặt câu hỏi: Trình bày món ăn phối hợp riêng lẻ một cách đa dạng và phong phú; giới thiệu tên món ăn, mùi vị, công dụng đơn giản của món ăn với con; để con tự ăn và quan sát con từ đó hiểu khẩu vị của con; nhận biết và tôn trọng khi con có biểu hiện đói, no; không ép cho con ăn bằng hết khẩu phần…
Những nguyên tắc mẹ luôn nằm lòng
Nguyên tắc đầu tiên các bà mẹ cần áp dụng: Đói là sẽ ăn. Ám ảnh bởi cân nặng hay câu nói “con còn gầy lắm”, nên mẹ thường cố gắng cho con ăn thêm, vì thế bữa ăn trở thành nỗi sợ hãi của bé và bực bội của mẹ. Tuy nhiên, đáp ứng tín hiệu tự nhiên ăn khi đói và dừng khi no là cách thức sáng suốt của mẹ trong việc tôn trọng hệ tiêu hóa của con.
“Ăn là ăn, học là học, ngủ là ngủ, chơi là chơi. Giờ nào việc đó” - Câu nói kinh điển mà ông bà vẫn thường nói thật ra vẫn là chân ái để áp dụng trong bữa ăn cho đến hôm nay. Sự tập trung, chú tâm trong khi ăn rất quan trọng. Mải mê cho con xem tivi, thức ăn và vừa đi rong là nguyên nhân khiến các bé lơ là, quên rằng mình đang trong một bữa ăn.
Dẫn câu chuyện ngụ ngôn “Sói là bác sĩ của nai” để thấy muốn trẻ ăn ngon miệng, mẹ phải đảm bảo cho con vận động đủ đầy. Đáp ứng nhu cầu vận động của trẻ sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng dư thừa và chắc chắn là ăn ngon miệng hơn.
Nguyên tắc dinh dưỡng và nguyên tắc phong phú cũng là những điều kiện cần và đủ để đáp ứng nên những bữa ăn chuẩn.
Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ mang đến một “bức tranh toàn cảnh” về vấn đề ăn uống của con cho những người mẹ trẻ. Khoa học và thực tiễn nhưng không hề khô khan. Cuốn sách chất chứa hết thảy tình cảm trong những bước đi đồng hành đầy kiên nhẫn và khoan thai của tác giả, cùng con xây dựng thói quen ăn uống tốt - trải nghiệm của tình yêu thương. “Thành quả cho sự kiên trì, sáng suốt của mẹ là một em bé ăn uống lành mạnh, phong phú, đa dạng và khỏe mạnh mỗi ngày” - tác giả Mai Phùng nói.
Bình luận (0)