5 phim tư nhân đua tranh giải Cánh diều vàng năm nay là Giải cứu thần chết (Hãng phim Thiên Ngân), Huyền thoại bất tử (Hãng phim Phước Sang), Chuyện tình xa xứ (Công ty cổ phần giải trí Thần Đồng), Đẹp từng centimet (Saigon Media - Hãng phim Giải Phóng - Phương Nam film - Hãng phim Việt hợp tác), Cú và chim se sẻ (Hãng phim Chánh Phương và An Nam film hợp tác). Điều đó khẳng định: thứ nhất, Cánh diều vàng không hẳn là một giải thưởng bị kêu ca nhiều về công tác tổ chức và chấm giải mà nó vẫn có ý nghĩa nhất định với các hãng phim tư nhân; thứ 2, sự nghiệp xã hội hóa điện ảnh Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Góp mặt không chỉ để vui
Năm 2004, lần đầu tiên phim tư nhân tham gia tranh giải thưởng với Khi đàn ông có bầu (Hãng phim Phước Sang) và Nữ tướng cướp (Hãng phim Thiên Ngân). Nữ tướng cướp đoạt giải thưởng Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất (Mỹ Duyên) và giải Biên kịch xuất sắc nhất (Lê Hoàng). Với Cánh diều vàng 2005, 2 trong 1 (Hãng phim Thiên Ngân) cũng gặt hái được giải thưởng và đặc biệt năm 2006, Áo lụa Hà Đông (Hãng phim Phước Sang) đã được tôn vinh với giải thưởng danh giá nhất: Cánh diều vàng.
Những năm đầu của giải thưởng, sự xuất hiện khiêm tốn của một, hai bộ phim tư nhân giữa nhiều phim nhà nước mới chỉ được coi là yếu tố mới, lạ thì càng về sau, sự tăng về số lượng (năm 2007 là 4/11 phim) tỷ lệ thuận với chất lượng phim thực sự chinh phục ban giám khảo, như các phim Áo lụa Hà Đông, Nụ hôn thần chết, Mười…
Mặc dù có đến 5/6 phim tham gia, nhưng Cánh diều vàng năm nay cũng không phải "dễ nhằn" với các phim tư nhân vì phải đối mặt với duy nhất 1 phim nhà nước nặng ký là Trăng nơi đáy giếng (Hãng phim Giải Phóng) khi phim này đã kịp có giải thưởng quốc tế: Hồng Ánh đoạt Nữ diễn viên xuất sắc của Giải thưởng phim Á-Phi tại Liên hoan phim Dubai.
Chấp nhận chịu thiệt về doanh thu
Dù 5 phim tư nhân tranh giải Cánh diều vàng năm nay đều đang có sức "nóng" ở rạp, đang chờ đợi doanh thu của từng buổi chiếu để bù đắp lại kinh phí sản xuất phim thì họ cùng đồng thuận hưởng ứng với sáng kiến của Ban tổ chức Cánh diều vàng là mỗi phim có 4 buổi chiếu miễn phí phục vụ cho giải thưởng phim được khán giả bình chọn, cũng đồng nghĩa với việc doanh thu của phim sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, Hiện 4.500 giấy mời đã được phát hành. Điểm chiếu miễn phí được tổ chức tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội. Tuy nhiên, chính bản thân ban tổ chức cũng rất băn khoăn rằng giá mà có kinh phí và điều kiện tổ chức các buổi chiếu miễn phí tại TP.HCM thì giải thưởng phim do khán giả bình chọn sẽ thuyết phục hơn nhiều.
Đạo diễn trẻ hơn, giám khảo già đi E-mail của một hãng phim tư nhân gửi đến Ban tổ chức bày tỏ băn khoăn: Với những tên tuổi quá quen thuộc trong dòng phim truyền thống nhà nước của 9 thành viên Ban giám khảo năm nay, liệu cái mới, sự sáng tạo của các đạo diễn phim tư nhân thế hệ 7x có được ủng hộ, động viên, khuyến khích không? Tiêu chí mà Hội Điện ảnh vẫn tuyên bố là tôn vinh, khuyến khích sự sáng tạo, cái mới.. có thực sự được chứng tỏ qua giải thưởng lần này? Cụ thể, Ban giám khảo phim truyện nhựa Cánh diều vàng 2008 gồm: Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh (trưởng ban), diễn viên điện ảnh Như Quỳnh, đạo diễn Vương Đức, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhà quay phim Nguyễn Đức Việt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đạo diễn Đào Bá Sơn, kỹ sư âm thanh Hoàng Anh, họa sĩ thiết kế Nguyên Vũ. |
Phạm Ngọc
Bình luận (0)