Thanh Niên giới thiệu 2 trong nhiều sản phẩm, công trình ấn tượng của giải thưởng Quả cầu vàng năm nay.
Mong muốn loại bỏ kim loại độc hại đưa vào cơ thể
Ý tưởng nghiên cứu vật liệu composite kim loại trên nền titan có sử dụng vật liệu gia cường cấu trúc nano ứng dụng trong lĩnh vực y sinh của nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam do TS Phạm Văn Trình là nghiên cứu viên chính, được các chuyên gia phẫu thuật, chỉnh hình tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá cao về giá trị ứng dụng thực tiễn.
Anh Bùi Quang Huy (phải), Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, trao giải thưởng Quả cầu vàng |
Phan Hậu |
Theo TS Trình, dữ liệu dự đoán tại Mỹ cho thấy đến năm 2030 tổng số ca thay thế xương hông tăng khoảng 174% (0,57 triệu ca phẫu thuật) và thay thế khớp gối tăng khoảng 673% (3,48 triệu ca phẫu thuật) so với hiện tại. Lý do chính của sự gia tăng này là vì tỷ lệ thành công của phẫu thuật sửa chữa khá thấp so với phẫu thuật thay thế hoàn toàn xương hoặc khớp. Phẫu thuật sửa chữa có thể gây ra cho người bệnh những đau đớn kèm theo những di chứng phát sinh. Thay thế xương người cũng có nhiều rủi ro. Lý do chính được cho là do sự hình thành các mảnh vụn, các ion kim loại giải phóng độc tố và phản ứng của cơ thể với các chi tiết cấy ghép, cũng như sự không phù hợp giữa mô đun của xương và mô đun của chi tiết cấy ghép, hoặc do độ bền quá thấp không thể duy trì tải trọng. Như vậy, các chi tiết cấy ghép trong y sinh cần phải có các đặc tính cơ học phù hợp, chống ăn mòn, chống mài mòn cao, khả năng tương thích sinh học tốt, không gây độc tế bào.
Cũng theo TS Trình, các thiết bị cấy ghép sử dụng trong phẫu thuật, định hình như các loại nẹp xương, đinh vít… sử dụng tại các bệnh viện hiện nay đều nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành cao. Theo đó, công trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu là hướng đi mới, nếu được thương mại hóa sẽ giúp các bệnh viện, bệnh nhân tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ và chủ động hơn trong điều trị bệnh nhân.
Theo TS Trình, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nó cũng là hướng nghiên cứu còn rất mới, chưa có nhiều nhà khoa học quan tâm. Ý tưởng nghiên cứu này đến từ một chuyến công tác khi TS Trình cùng người thầy của mình là PGS-TS Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sang Belarus công tác và được biết, quốc gia này đã tìm cách hạn chế, không cho phép sử dụng các loại hợp kim có chứa kim loại nặng sử dụng trong các chi tiết cấy ghép đưa vào cơ thể độc hại.
Máy ép thân chuối “hái” ra tiền!
Trước khi nhận giải thưởng Quả cầu vàng, thạc sĩ Hồ Xuân Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (xã Quỳnh Văn, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), có sản phẩm nghiên cứu khoa học ấn tượng với 4 bằng sáng chế cho các sản phẩm đã được thương mại hóa: máy trợ thở xách tay, máy đúc gạch lát, máy ép gạch đất đồi, máy đúc gạch bê tông. Ở giải thưởng Quả cầu vàng năm nay, anh Vinh trình làng sản phẩm hoàn toàn mới. Đó là chiếc máy ép và tách sợi từ thân cây chuối - một loại phế phẩm trong nông nghiệp và giúp nhiều trang trại, hộ nông dân trồng chuối ứng dụng kinh tế tuần hoàn gia tăng thu nhập.
Anh Vinh cho biết sản phẩm nghiên cứu này xuất phát từ vấn nạn ô nhiễm môi trường. Một lần dạo chơi trên bãi bồi sông Lam tại quê, anh Vinh thấy người dân trồng chuối quanh năm. Sau khi thu hoạch quả, toàn bộ thân cây chuối đều bỏ đi, chỉ một phần rất nhỏ được tận dụng làm thức ăn gia súc. Hàng chục, hàng trăm nghìn thân chuối bỏ đi sau mỗi mùa vụ thu hoạch đã gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường. Sau nhiều ngày nghiên cứu thực tế, anh Vinh quyết định nghiên cứu, chế tạo máy ép thân và tách sợi chuối. Theo đó, thân cây chuối sau khi được đưa vào ép sẽ tách được sợi, phần bã được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bát, đĩa, thìa… Nước ép từ thân chuối có hàm lượng kali rất cao thì được tách riêng.
Cũng từ chiếc máy này, anh Hồ Xuân Vinh đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH ABACA VN để phát triển công nghệ chế biến sợi chuối và thực hiện phát triển ngành sợi chuối - một ngành còn rất mới ở Việt Nam. Ngoài bán máy cho các hộ nông dân, hợp tác xã trồng chuối, doanh nghiệp của anh Vinh đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm sợi chuối; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân ủ nước ép thân chuối để làm phân hữu cơ. “Chiếc máy ép và tách sợi chuối này chính là giải pháp kinh tế tuần hoàn ở các hộ, trang trại trồng chuối. Người trồng chuối không phải bỏ đi bất cứ thứ gì, có thêm nguồn thu nhập từ bán sợi, bán bã ép và tiết kiệm một khoản chi phí tương đối lớn khi không phải mua phân bón”, anh Vinh nói.
Cũng theo anh Hồ Xuân Vinh, xu hướng tiêu dùng xanh quay trở lại sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ là cơ hội để phát triển ngành sợi chuối ở Việt Nam. Hiện nay, sợi thân chuối được ứng dụng vào nhiều sản phẩm như thời trang, làm khẩu trang, sản xuất chỉ… Trên thế giới, một đất nước trồng nhiều chuối như Philippines mỗi năm xuất khẩu sợi chuối thu về 1,5 tỉ USD nhưng ở Việt Nam thì nó là phế thải bị bỏ đi.
10 tài năng trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng
Ngày 19.12, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN tổ chức lễ trao giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021 có sự tham dự của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn.
Ban tổ chức đã vinh danh 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất trong các lĩnh vực. Đó là tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM; tiến sĩ Phạm Quốc Việt, ĐH Quốc gia Busan, Hàn Quốc; thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh, Trường ĐH Công nghệ Hà Nội; tiến sĩ Trương Thanh Tùng, Trường ĐH Phenikaa; tiến sĩ - bác sĩ Đào Việt Hằng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; tiến sĩ Đỗ Phúc Huyền, Phó giám đốc Viện Kinh tế và công nghệ y tế; tiến sĩ Ninh Thế Sơn, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN; thạc sĩ Hồ Xuân Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Nghệ An); tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Trường ĐH Quốc gia Australia; tiến sĩ Phạm Văn Trình, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ngoài ra, ban tổ chức đã chọn 20 nữ sinh tiêu biểu để trao phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Bình luận (0)