Có thể bạn ít nghe nói về chứng nuốt nghẹn hầu (oropharyngeal dysphagia), nhưng đây là một triệu chứng tương đối phổ biến và rất nghiêm trọng, vốn có thể dẫn đến mất nước, viêm phổi, suy dinh dưỡng, trầm uất và tử vong. Chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 16,5 triệu người bị chứng này, theo tạp chí Gizmag (Úc).
Thuật ngữ “chứng nuốt nghẹn hầu” được sử dụng để mô tả tình trạng khó nuốt, vốn có thể là hậu quả của chứng đột quỵ, ung thư cổ và đầu, tổn thương đầu, do tuổi già và các bệnh như Alzheimer và Parkinson. Các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn là phương pháp điều trị chủ yếu, nhưng hiệu quả thì… khi có khi không.
Tuy nhiên, giờ đây, các chuyên gia phẫu thuật thuộc Đại học California ở thành phố Davis đã đi tiên phong trong một phương pháp mới: sử dụng một thiết bị đơn giản, cực nhỏ được đặt vào họng, và bệnh nhân có thể điều khiển thiết bị này bằng tay mỗi khi họ muốn nuốt.
Giáo sư Peter Belafsky đã dành 5 năm nghiên cứu và chế tạo thiết bị này, lấy ý tưởng từ khuyên tai của con gái ông. Thiết bị bao gồm một chốt gim đặt ở bên ngoài của da cổ bệnh nhân, được gắn với một chiếc que bằng titanium đi xuyên qua da và mô cổ. Chiếc que này lại kết nối với một đĩa có kích thước bằng một chiếc tem thư được gắn vào sụn cổ.
Khi bệnh nhân muốn đưa thức ăn hoặc nước uống xuống họng, họ kéo chiếc chốt lên bằng tay của mình, khiến thanh quản của bệnh nhân di chuyển lên phía trước và thực quản của người đó mở ra.
Cho tới nay thiết bị này mới đang được thử nghiệm trên Daniel Fiandra, một bác sĩ người Uruguay không thể ăn hoặc uống bằng cách nào khác ngoài việc dùng ống thông suốt 2 năm qua. Sau khi cấy ghép cho bác sĩ Fiandra vào tháng 8 và theo dõi tiến bộ của ông này, giáo sư Belafsky gần đây tuyên bố thiết bị của ông hoạt động thành công.
Giáo sư Belafsky cho biết: “Hầu như các bác sĩ thường không nghĩ đến các quy trình vật lý phức tạp của hoạt động nhai và nuốt. Nhưng giờ đây, tôi hết sức tin tưởng rằng một thiết bị y sinh cực nhỏ có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người đang phải chịu đựng chứng nuốt nghẹn hầu”.
Theo CNET, hiện Đại học California đã xin đăng ký cấp bằng sáng chế công nghệ trên. Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu sẽ là xin phép Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại nước này, và việc tìm nguồn tài trợ cho các cuộc thử nghiệm này hiện là mối quan tâm hàng đầu của giáo sư Belafsky.
Quyên Quân
Bình luận (0)