'Cô gái đến từ hư vô 2': Bạo lực, điên cuồng hơn

13/05/2021 19:59 GMT+7

Phần 2 của loạt phim kinh dị Thái Lan nổi tiếng một thời có nhiều thay đổi về nội dung lẫn cách thể hiện.

Nếu phần 1 chỉ xoay quanh tệ nạn học đường, phần 2 của Girl from Nowhere có thêm nhiều tình tiết 18+, cài cắm các vấn đề chính trị, tôn giáo vào mỗi tập phim. Điểm đặc sắc ở phần này là sự xuất hiện của Yuri (Nink Chanya McClory) - một nhân vật đối trọng với Nanno cả về tư tưởng lẫn phương châm hành động.
Nanno thường buộc kẻ có tội phải trải qua nỗi đau đớn như nạn nhân để rồi nhận ra lỗi lầm của bản thân. Nếu người đó quyết định thành tâm sửa đổi, Nanno sẽ bỏ qua. Mặt khác, Yuri lại chọn cách thẳng tay diệt trừ kẻ làm điều ác thay vì dạy cho họ bài học như Nanno. Xung đột trong cách hành động giữa hai nhân vật được đẩy lên đến cao trào trong tập 6, có lẽ cũng là tập hay nhất trong cả bộ vì có sự trọn vẹn về thông điệp lẫn ngôn ngữ điện ảnh.

Yuri - đối thủ của Nanno trong phần 2

Ảnh: Netflix

Toàn bộ tập phim được quay trắng đen nhằm thể hiện một thế giới tù túng bị những luật lệ gò bó. Trong thế giới xám xịt ấy, nổi bật lên những mảng màu sắc hiếm hoi, đó là đôi môi tô son đỏ, mái tóc màu tím hay chiếc nơ xanh lá của Nanno, tượng trưng cho sự nổi loạn, dám đi ngược lại quy luật. Câu chuyện của tập này xoay quanh một ngôi trường với bộ luật hà khắc được viết từ những năm 1800 để ép các học sinh vào khuôn khổ. Học sinh nào không tuân theo luật sẽ bị tống vào “phòng sám hối”, trải nghiệm những hình thức tra tấn đặc biệt cho đến khi nào nhận ra lỗi lầm mới thôi. Nanno và Yuri xuất hiện trong thế giới này với mục đích giúp các học sinh tự định đoạt số phận của mình nhưng theo hai hướng khác nhau.
Tập này không chỉ thể hiện rõ khác biệt trong cách hành động của hai nhân vật mà còn có phần “open ending” cô đọng, gợi lên nhiều suy nghĩ cho người xem dù không nhiều lời.

Một cảnh trong tập 6

Ảnh: Netflix

Tập 1 cũng có cách triển khai khá thú vị khi nói về nạn phá thai ở học sinh. Phim đưa ra một quan điểm hiện đại: trong những cuộc tình, phụ nữ không nên xem mình là nạn nhân mà hãy học cách tự quyết định cuộc đời mình. Ở phía ngược lại, nam giới cũng nên học cách chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra.
Những tập phim khác đều là những câu chuyện dựa trên các sự kiện có thật hoặc phản ánh các vấn đề nổi cộm trong xã hội, như tình yêu đồng tính, bạo lực tình dục, lạm dụng quyền lực, mặt tối của một “influencer”..., giúp phim vẫn giữ được nét thời sự như phần 1. 

Tập 1 đề cập tới nhiều vấn đề thời sự

Ảnh: Netflix

Xét trên phạm vi đối tượng khán giả mà Girl from Nowhere nhắm tới (thanh thiếu niên) và thể loại (kinh dị tâm lý), chất lượng chung của phim chỉ dừng ở mức ổn, không dở nhưng cũng chẳng đến mức xuất sắc. Cách phim gỡ rối, xử lý vấn đề còn khá non tay. Có lẽ do mỗi tập được một đạo diễn khác nhau chỉ đạo nên khó tránh khỏi tình trạng chất lượng phim không đồng đều.
Dẫu vậy, có một điểm chung là các nhân vật thường xuyên tìm đến những phương pháp cực đoan nhất như... giết người để giải quyết xung đột. Mà một khi những cảnh máu me gây sốc như vậy diễn ra quá nhiều, quá thừa thãi, phim sẽ trở nên thiếu điểm nhấn và người xem dễ rơi vào trạng thái "chai sạn" cảm xúc.

Trailer Girl From Nowhere Season 2

Nữ quỷ Nanno thường xuyên tự đưa mình vào thế khó, dẫn đến nhiều tình huống khiến cô bị làm nhục, bị đánh đập, hành hạ để rồi lại hồi sinh như chưa có gì xảy ra. Ta có thể hiểu biên kịch đang muốn lên án sự tàn độc của con người, "nhân chi sơ tính bổn ác", nhưng lại rơi vào cái bẫy lạm dụng bạo lực quá đà thay vì sử dụng yếu tố này một cách tiết chế, đúng trọng tâm.
Chẳng hạn, màn giết chóc trong tập 8 - tập cuối của cả phần 2 -  không những thất bại trong việc đẩy cao trào lên đến đỉnh điểm mà lý do khiến hai nhân vật phải đâm chém nhau cũng vô cùng phi lý, khiến đoạn kết phim khá hẫng về mặt cảm xúc, chủ yếu đóng vai trò tạo tiền đề cho phần 3.
Girl from Nowhere thường bị so sánh với loạt truyện Tomie của Junji Ito sau khi nhà sản xuất phim thừa nhận lấy cảm hứng tạo ra Nanno từ nhân vật Tomie. Thế nhưng, theo thiển ý của người viết, Girl from Nowhere có hướng đi giống Jigoku Shoujo hơn. Cả hai tác phẩm đều có cấu trúc tập hợp nhiều câu chuyện ngắn và nhân vật chính là một thế lực bí ẩn tạo cơ hội cho con người bộc lộ những phẫn uất của mình.  

Nhân vật Tomie trong phim chuyển thể từ truyện của Junji Ito

Ảnh chụp màn hình Asian Wiki

Việc so sánh Girl from Nowhere với Tomie khiến loạt phim chịu nhiều bất công không đáng có. Đầu tiên, Nanno không phải một thực thể tà ác, rùng rợn như Tomie, mà chỉ là tấm gương giúp con người soi chiếu chính mình. Cách Nanno đối xử với một người tùy thuộc vào bản chất của họ tốt hay xấu. Trong khi đó, Tomie gieo rắc sự hỗn loạn và nỗi sợ khắp nơi, bất chấp đối tượng là ai. Điều đó đúng với tinh thần truyện kinh dị "grotesque" (gớm ghiếc, kỳ quái) của Junji Ito, còn thông điệp chỉ là thứ theo sau câu chuyện của ông.
Mặt khác, ngay từ phần 1 ta đã thấy Girl from Nowhere có tham vọng rất lớn trong việc phản ánh, phê phán các vấn đề xã hội, cũng như gửi gắm thông điệp nhân văn đằng sau những câu chuyện tưởng chừng tăm tối. Do đó, Nanno chỉ có thể điên cuồng một cách vừa phải, trong khuôn khổ và vẫn giữ lại tính người. Đó là điểm khác nhau lớn nhất giữa hai nhân vật, hai tác phẩm. 
Dẫu còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, Girl from Nowhere 2 cũng đã truyền tải được những điều bộ phim muốn hướng tới. Diễn xuất của nữ diễn viên chính Chicha Amatayakul vẫn vô cùng thu hút. Đôi mắt to tinh anh, nụ cười nửa miệng ranh mãnh của cô dễ dàng cuốn người xem vào diễn biến bộ phim. Nếu đã yêu thích phần 1 của loạt phim, chắc chắn người xem không thể bỏ qua phần phim này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.