Khi được hỏi về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ sân khấu, nghệ sĩ Diệp Lang nói rằng với ông ngày nào cũng có Tổ vì Tổ là chỗ dựa tinh thần. Theo nghệ sĩ cải lương, đây là ngày anh em đồng nghiệp gặp nhau, cùng chúc nhau, tâm tình với nhau và vui vẻ với nhau. "Cũng như tôi đây, trước khi ra hát đều lạy vái Tổ, xin Tổ phù hộ cho con hát được khán giả yêu mến. Vái Tổ vì đó là chỗ dựa tinh thần quan trọng lắm. Còn nếu hỏi tôi về ngày cúng hay từ đâu có ngày giỗ Tổ thì tôi chịu thua".
Nhắc đến các tiền bối trong làng cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Diệp Lang đã chia sẻ về kỷ niệm với soạn giả Năm Châu. Ông xúc động: "Ông Năm Châu là một trong những nghệ sĩ kỳ cựu, lão thành của sân khấu cải lương. Phải công nhận rằng nghệ sĩ Năm Châu là thầy của tôi. Hồi còn nhỏ thì tôi không dám lại gần, sau này có một lần ngồi tập tuồng, thấy tôi diễn thì ông ấy nói: "Đồng ý ra sân khấu là phải diễn, nhưng mình đừng diễn hay. Có nghĩa là sân khấu phải thật và đẹp". Chính câu nói này mà tôi theo đuổi cho tới giờ này. Cuộc đời tôi khi còn diễn trên sân khấu thì luôn luôn hướng về thật và đẹp".
|
Còn khi nói đến nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, NSND Diệp Lang cũng dạt dào cảm xúc. Ông nói rằng Thanh Nga là một cô đào rất đặc biệt, vừa đẹp vừa tài. Hai nghệ sĩ từng diễn chung với nhau từ khi ông về cộng tác với đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga từ năm 1969. Các vở diễn nổi tiếng như Trăng rụng bến Từ Châu, Tiệc đêm ngoài vườn, Đi biển một mình, Lá sầu riêng, Tâm sự đời con gái và Ả đào say... đều để lại cho nam nghệ sĩ những kỷ niệm đặc biệt.
Trong đó, khi nhắc vở Đi biển một mình, nghệ sĩ Diệp Lang kể: "Lúc đó tôi đóng vai ông chủ nhiệm nhà báo, Thanh Nga đóng vai nhỏ ở. Trong vở này có cảnh tôi phải đánh Thanh Nga một cái, tới chừng vô trong Thanh Nga nói tôi sao đánh nhẹ quá, phải đánh mạnh lên. Tới chừng ra diễn lại, tôi nghe lời đánh mạnh lắm, cô ấy bảo phải đánh như vậy đó. Nhưng đó cũng là vở cuối cùng tôi gặp Thanh Nga. Bữa đó vợ chồng tôi ngồi ở rạp Thanh Bình uống cà phê buổi sáng. Thanh Nga và chồng chạy xe ngang qua, gặp vợ chồng tôi ngồi đó và đưa tay chào, vợ chồng tôi cũng chào lại. Không ngờ đó là lần cuối cùng gặp nhau trên cuộc đời".
|
Nhận xét về nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Diệp Lang bày tỏ: "Ca hay, diễn giỏi, sắc đẹp coi như toàn diện. Một nghệ sĩ đa năng, phải gọi là số một, không còn gì để nói. Mà không phải lúc nào cũng có Thanh Nga, vài chục năm mới có một Thanh Nga tài sắc vẹn toàn. Không phải lúc nào cũng có".
Cũng trong chương trình, nghệ sĩ Diệp Lang còn nhắc nhớ về các kỷ niệm gắn bó với các đồng nghiệp khi còn hoạt động ở sân khấu cải lương. Giờ đây, sau hơn 10 năm định cư ở hải ngoại và nhiều năm xa ánh đèn sân khấu nhưng phong cách diễn xuất của ông vẫn là bài học quý cho thế hệ cải lương hiện tại. Dành lời khuyên cho thế hệ trẻ trong bộ môn cải lương, nghệ sĩ Diệp Lang bộc bạch: "Cuộc đời đi hát gian nan lắm, tôi cũng gian nan dữ lắm. Thành ra tôi có thể nói một lời là cố gắng, các bạn trẻ nào yêu mến cải lương, bước vô sân khấu thì chắc chắn điều đầu tiên là phải khấn vái Tổ nghiệp, cho con hát cho khán giả thân thương, giữ gìn đạo đức. Phải có đạo đức nghề nghiệp dành cho sân khấu, yêu nghề và luôn luôn sống chết với nghề. Tôi cũng có đôi lời hỏi thăm khán giả khắp nơi".
|
Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Khoảng năm 13 tuổi, ông theo chân cha là thầy đàn Ba Diệp lên Sài Gòn, theo đoàn cải lương Kim Thoa. Vai kép độc ghi dấu ấn đầu tiên của nghệ sĩ Diệp Lang là ở đoàn Kim Chưởng, trong vở Hai chiều ly biệt. Nghệ sĩ Diệp Lang được xếp vào hàng các kép độc hay nhất của sân khấu cải lương. Nhắc đến Diệp Lang thì không thể không nhắc đến các vai diễn ấn tượng như ông Sáu trong Nửa đời hương phấn, Hải Lâm trong Áo cưới trước cổng chùa, vai một lão nông Đồng Tháp trong Người giữ mộ, ông hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu... Năm 1963, nghệ sĩ Diệp Lang đoạt giải Thanh Tâm. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003.
Bình luận (0)