Phim Việt khai phá đề tài tâm lý tội phạm

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
16/06/2020 06:41 GMT+7

Bộ phim Bằng chứng vô hình sắp công chiếu mở ra kỳ vọng mới cho dòng phim tâm lý tội phạm của Việt Nam.

Thể loại hấp dẫn của điện ảnh thế giới

Phim về tâm lý tội phạm là thể loại hấp dẫn bởi dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm của kẻ thủ ác có những biểu hiện tâm lý phức tạp, khiến khán giả cuốn theo các tình tiết phim với những thắt nút - mở, từ đó phần nào lý giải thói quen, suy nghĩ và hành vi tội phạm. Sự hấp dẫn của dòng phim này chính là việc sẽ kích hoạt tư duy và thử tài phán đoán của khán giả khi lần giở những bí mật được vén màn theo diễn biến của bộ phim.
Nhiều bộ phim về tâm lý tội phạm của điện ảnh thế giới được đông đảo người xem yêu thích và đánh giá là hồi hộp, gay cấn từ đầu tới cuối. Có thể kể như The Silence of the Lambs (tựa Việt: Sự im lặng của bầy cừu, sản xuất năm 1991, giành được 5 giải Oscar trong đó có Phim hay nhất) xoay quanh tâm lý của 3 con người thuộc 3 chiến tuyến khác nhau: cô sinh viên tập sự FBI Clarice - người luôn bị ám ảnh bởi những tiếng kêu thảm thiết của bầy cừu khi từng chứng kiến cảnh những con cừu bị giết và đã không cứu sống nổi một con cừu non mà cô lao vào bế đi; kẻ giết người hàng loạt có biệt danh “Buffalo Bill”; và kẻ ăn thịt người Lecter có trí óc siêu phàm, thủ đoạn tàn bạo. Se7en (1995) của đạo diễn David Fincher xoay quanh tâm lý của kẻ sát nhân giết người theo danh sách “Bảy mối tội đầu” - nhóm tội lỗi gốc cho mọi tội ác khác theo quan niệm của Kinh thánh. Shutter Island (Đảo kinh hoàng, 2010) của đạo diễn Martin Scorsese xoay quanh câu chuyện hai thanh tra truy tìm tù nhân trốn trại hoặc bị truy nã, đến trại tù tâm thần trên đảo Shutter để điều tra vụ biến mất bí ẩn của một nữ tù nhân, để rồi phát hiện những bí mật bất ngờ. Batman: The Dark Knight (Kỵ sĩ bóng đêm, 2008) vẽ ra những bản ngã hỗn loạn, ác độc và xấu xa trong mỗi con người qua hình ảnh tên hề Joker...
Phim Việt khai phá đề tài tâm lý tội phạm

Cảnh trong phim Ống kính sát nhân

Phim Việt “dò đường”

Số lượng phim thể loại tâm lý tội phạm của điện ảnh Việt khá ít ỏi. Không mấy phim tạo được hiệu ứng tốt trong khán giả và có được thành công doanh thu lẫn nghệ thuật.
Vài năm gần đây, phim Việt làm về tâm lý tội phạm chỉ có Siêu trộm (ra mắt năm 2016) do Trần Hàm làm đạo diễn và biên kịch, diễn viên Nhung Kate, Ngô Thanh Vân, Mai Thế Hiệp..., nói về những đồng tiền ảo Bitcoin và ông trùm băng đảng vốn là tên tội phạm thông minh đang bị cảnh sát quốc tế truy nã. Ống kính sát nhân của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng (chiếu rạp 2018), diễn viên Hứa Vỹ Văn, Diễm My, Khương Ngọc, Kinh Quốc, Quang Sự..., với câu chuyện phá án của một viên thanh tra. Xem ra các đạo diễn trong nước vẫn chưa đủ tài để giữ chân người xem. Cả Siêu trộmỐng kính sát nhân đều có điểm chung là kịch bản rối rắm, thiếu logic thuyết phục để khán giả có thể hào hứng và căng thẳng theo dõi diễn biến tâm lý nhân vật, phán đoán, truy tìm chân tướng tội phạm như đặc điểm của dòng phim này.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Phim làm về tội ác hoặc điều tra phá án là “mỏ vàng” thu hút người xem, vì số đông khán giả thích xem những bộ phim đấu trí, hành động gay cấn của đề tài này. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là kịch bản hay khá hiếm vì đòi hỏi cao ở kỹ thuật viết, xây dựng tình tiết, lẫn tính cách nhân vật rất kỳ công; bên cạnh đó, kinh phí quay các pha hành động cũng không thể thấp được”. Dù vậy, với khao khát đem lại khẩu vị mới cho khán giả, một số đạo diễn trong nước vẫn chọn lựa thể loại này để làm phim.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sau Thưa mẹ con đi đã mạnh dạn thử sức với đề tài tâm lý tội phạm qua phim Bằng chứng vô hình sẽ chính thức công chiếu tại các rạp từ ngày 10.7. Câu chuyện đối đầu gắt gao giữa cô gái mù tình cờ trở thành nhân chứng duy nhất, và kẻ sát nhân nguy hiểm (tâm thần biến thái khoác vỏ bọc học thức) được nhà làm phim kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, mang đến trải nghiệm hồi hộp cho khán giả khi cùng các nhân vật tham gia phá án. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ:
“Ê kíp đã cố gắng hết sức trong những cảnh quay khó như hành động, rượt đuổi, để làm tăng sự kịch tính trong những màn đối đầu giữa các nhân vật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.