‘Cậu Vàng’: Bức tranh làng quê phong kiến đa sắc

09/01/2021 14:45 GMT+7

“Cậu Vàng” bản điện ảnh tái hiện sống động đời sống làng quê Bắc bộ thời kỳ thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng Tháng 8.

Lấy cảm hứng từ các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, phim xoay quanh chú chó Vàng của gia đình Lão Hạc (Viết Liên) và cuộc chiến với tầng lớp thống trị trong làng, đại diện tiêu biểu là cha con Bá Kiến (Hữu Châu) - Lý Cường (Will). Kịch bản phim do cố NSND Bùi Cường - người thủ vai Chí Phèo trong tác phẩm kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy - chấp bút.

Bức tranh làng quê Việt

Phim tràn ngập những hình ảnh trong trẻo của thiên nhiên, con người Việt xưa. Khung cảnh làng quê Bắc bộ quen thuộc được tái hiện một cách tỉ mỉ. Đoàn phim chọn các phim trường ở Ninh Bình, Đường Lâm để có bối cảnh chân thật nhất. Khán giả được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa cải vàng rực, mái đình làng cong uốn lượn tựa mạn thuyền. Bên cạnh những hình ảnh tươi sáng, căn lều tồi tàn nơi ở Lão Hạc thể hiện sự đói nghèo của người nông dân trong thời kỳ một cổ hai tròng đầy biến động. Họ trở thành miếng mồi cho bè lũ thống trị bất nhân, tìm mọi cách để bóc lột tới tận xương tủy.
Cậu Vàng cũng giới thiệu tới người xem một dàn nhân vật đa dạng. Lão Hạc và con trai Cò đại diện những người nông dân chất phác, cần cù. Bá Kiến, Lý Cường và lũ quan sai là những kẻ cường hào ác bá. Các bà vợ của Bá Kiến và bé Cải đại diện thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, không được tự quyết số phận. Vợ chồng giáo Thứ thuộc tầng lớp tri thức, mắc kẹt trong thời kỳ cái đói hoành hành, văn hóa bị xem nhẹ. Binh Tư đại diện những kẻ sống bên ngoài vòng xã hội, sẵn sàng làm mọi chuyện vì tiền. Lê Văn là tầng lớp nghệ sĩ, mang câu hò, câu hát mua vui cho xóm làng. Tuyến nhân vật phụ như thầy bói, gánh hát, tay sai cũng góp phần xây dựng một xã hội sống động và đa dạng trong phim.
Bộ phim giống một bảo tàng các phong tục tập quán, hoạt động đời sống của làng quê Bắc Bộ. Đạo diễn thành công trong việc tái hiện những bối cảnh chợ phiên, ngày thu tô hay đám tang. Nhạc phim là những giai điệu từ các nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, đàn bầu. Các loại hình nghệ thuật dân gian như rối nước, hát đối giao duyên... cũng được lồng ghép khéo léo, tạo nên những phân đoạn phim đầy chất thơ giữa một xã hội cái đói đang hoành hành.

Làn gió mới cho câu chuyện của nhà văn Nam Cao

Cậu Vàng không bị giới hạn bởi nguyên tác văn học. Đoàn phim thổi một làn gió mới vào kịch bản với nhiều tuyến chuyện diễn ra song song. Tác phẩm không hoàn toàn tập trung vào cuộc đời Lão Hạc. Các nhân vật phụ đều có hành trình riêng, từ Lý Cường, bà ba nhà Bá Kiến cho đến Binh Tư. Dù xuất thân và có cuộc sống khác biệt, họ đều có những nỗi khổ riêng. Qua đó, đoàn phim đem đến cái nhìn đầy tính nhân văn với những kiếp người cùng là nạn nhân của một xã hội lạc hậu, đầy rẫy tiêu cực.
Là nhân vật chính, Cậu Vàng giữ vai trò kết nối những câu chuyện nhỏ đó trước khi bước vào thử thách lớn nhất ở phần cuối phim. Chú chó có nhiều đất diễn trong suốt bộ phim. Vàng thể hiện tốt nhiều phân đoạn đòi hỏi bộc lộ cảm xúc cho đến hành động, chiến đấu. Sự tương tác giữa chú với các nhân vật Lão Hạc, Cò, Binh Tư... cũng là một điểm sáng của bộ phim.
Các vai Lý Cường, Binh Tư, bà ba để lại nhiều dấu ấn với khán giả. Họ là những nhân vật có tính cách phức tạp và cuộc đời thú vị. Will hoàn thành xuất sắc màn hóa thân kẻ phản diện chính trong phim. Anh thể hiện sự độc ác của Lý Cường một cách sống động. Bên cạnh đó, nam diễn viên vẫn để lộ cho nhân vật những nét rất nhân văn nhằm giải thích tính cách lệnh lạc của tên cường hào ác bá. Vai vợ ba của Băng Di ban đầu tưởng như là ả vợ lẽ sắc sảo, nhiều mưu mô. Tuy nhiên, bên trong cô là nàng thiếu nữ chân chất, bị xã hội xô đẩy cùng khát khao được yêu mãnh liệt. Binh Tư không đơn thuần là tên tội phạm mất nhân tính. Anh là người trượng nghĩa, trọng tình cảm và chữ tín. Tạo hình của nhân vật cũng gây ấn tượng với người xem.
Tác phẩm cũng là phim điện ảnh hiếm hoi khai thác đề tài làng quê theo hướng bi kịch thay vì các thể loại hài, ca nhạc thông thường. Với một nhân vật chính không biết nói tiếng người, đạo diễn thành công trong việc kể chuyện qua hình ảnh, đặc biệt trong những phân đoạn riêng về Cậu Vàng. Phim tràn ngập những phân đoạn ấn tượng, giàu tính nghệ thuật và mang nhiều sức gợi. Tất cả tạo nên một tác phẩm được thực hiện chỉn chu và giàu ý nghĩa để nhằm tưởng nhớ, tri ân cố nhà văn Nam Cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.