Quá trình giải trừ loại vũ khí hủy diệt này cũng đã bắt đầu từ lâu với rất nhiều ý tưởng, tuyên ngôn chính sách và nỗ lực. Nhưng đến nay, vũ khí hạt nhân không chỉ vẫn còn rất nhiều mà còn hiện đại hơn, quá trình giải trừ tiến triển rất chậm chạp và trên thế giới vẫn còn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.
Mỹ và Nga vẫn sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất, bất kể 2 nước này đã có không ít thỏa thuận về giải trừ. Cả hai đều chơi con bài lá mặt lá trái với mục đích là tiếp tục duy trì ưu thế. Cả hai đều bớt lượng nhưng tăng chất trên lĩnh vực vũ khí hạt nhân, tức là giảm chút ít về số lượng tên lửa và đầu đạn nhưng đồng thời đầu tư lớn vào hiện đại hóa và phát triển những thế hệ vũ khí mới.
Họ làm vậy nhằm vừa được tiếng là thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng đồng thời vẫn duy trì được ưu thế nổi trội đã có. Công nghệ hạt nhân tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của họ, hậu thuẫn đắc lực cho quan hệ hợp tác về chính trị, quân sự, an ninh và quốc phòng với các đối tác.
Với xu thế chung như thế, mục tiêu làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân vẫn xa vời và ảo tưởng. Mục tiêu được đề ra để phục vụ cho những suy tính lợi ích chính trị khác chứ không phải để phấn đấu thực hiện. Không ai bác bỏ hay phản đối nhưng có mấy ai thực sự tin rằng rồi đây sẽ đạt được nó.
Bình luận (0)