Giải VinFuture 3 triệu USD trao cho những người thay đổi cách thế giới giao tiếp

Quý Hiên
Quý Hiên
21/12/2022 07:10 GMT+7

Lễ trao Giải thưởng KH-CN thường niên toàn cầu VinFuture (gọi tắt là Giải thưởng VinFuture) mùa 2 vừa diễn ra tối qua 20.12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội .

Giải thưởng gồm có giải thưởng chính, trị giá 3 triệu USD; 3 giải đặc biệt, mỗi giải thưởng trị giá 500.000 USD.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao giải thưởng chính cho các nhà khoa học

Thanh Lâm

Tạo ra công cụ giao tiếp cho hàng tỉ người

Năm nay, giải thưởng chính được trao cho 5 nhà khoa học Timothy John Berners-Lee, Robert Elliot Kahn, Vinton Gray Cerf, David Neil Payne, và Emmanuel Desurvire, bởi đã giúp biến internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực, nhờ đó thay đổi mãi mãi cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc, đồng thời đặt nền móng cho sự tiến bộ của nền kinh tế xã hội hiện đại. Timothy John Berners-Lee là người đã phát minh ra World Wide Web, không gian thông tin toàn cầu. Robert Elliot Kahn và Vinton Gray Cerf là những người dẫn đầu việc thiết kế và triển khai giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức internet (TCP/IP) là cơ sở cho internet hiện tại. David Neil Payne và Emmanuel Desurvire là những người đã phát triển internet cáp quang, xương sống của mạng viễn thông và internet, vì tốc độ và sự ổn định của nó với khả năng truy cập đám mây có thể truyền dữ liệu bằng ánh sáng thay vì sử dụng điện.

Những nghiên cứu tiên phong được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu này trên nhiều tầng lớp khác nhau của mạng lưới toàn cầu đã cho phép giao tiếp, truyền tải và chia sẻ đáng tin cậy mọi dạng thông tin trên toàn thế giới với tốc độ ánh sáng, cũng như tương tác, cộng tác và đồng sáng tạo trong thời gian thực giữa các cá nhân và nhóm trên toàn thế giới. World Wide Web, internet và internet cáp quang trở thành công cụ giao tiếp thống trị trên toàn thế giới, được hàng tỉ người sử dụng để lấy thông tin, trao đổi và kết nối. Các phát minh này đã biến đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của toàn nhân loại, từ quản lý cơ bản các công việc hằng ngày sang mọi thứ chúng ta làm trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế, và chính trị nói chung, hay giúp trong các cuộc khủng hoảng và đại dịch nói riêng.

Đại diện Quỹ VinFuture cho biết, quỹ này tự hào ghi nhận họ là những người chiến thắng giải thưởng chính VinFuture năm 2022.

Những người khổng lồ làm thay đổi thế giới

Timothy John Berners-Lee (67 tuổi) là một nhà khoa học người Anh, chuyên nghiên cứu về khoa học máy tính, hiện là giáo sư tại Khoa Khoa học máy tính, ĐH Oxford, Anh; giáo sư danh dự Viện Công nghệ Massachusetts. Ông đã phát minh ra web, viết trình duyệt web đầu tiên, dẫn đầu thiết kế và thiết lập 3 tiêu chuẩn internet quan trọng: HTML, HTTP và URL. Những điều này đã làm cho việc chia sẻ và sử dụng liền mạch tất cả tài nguyên thông tin trên toàn thế giới trên internet.

TS Robert Elliot Kahn (84 tuổi) là một người Mỹ tiên phong trong internet, kỹ sư và nhà khoa học máy tính, là chủ tịch, giám đốc điều hành và Chủ tịch Tập đoàn sáng kiến nghiên cứu quốc gia (CNRI). TS Vinton Gray Cerf (79 tuổi) là một nhà khoa học máy tính người Mỹ, người được coi là một trong những “cha đẻ của internet”, là phó chủ tịch kiêm trưởng nhóm truyền bá internet của Google, Chủ tịch Hiệp hội Máy tính quốc tế (ACM). TS Kahn cùng với TS Vinton Cerf đã lãnh đạo việc thiết kế và triển khai giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức internet (TCP/IP), là cơ sở cho internet hiện tại. Họ đã xây dựng các nguyên tắc thiết kế cơ bản của mạng, TCP/IP được cụ thể hóa và tạo nguyên mẫu để đáp ứng các yêu cầu này và giám sát một số triển khai giao thức cho phép trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho internet.

GS David Neil Payne (78 tuổi) là giáo sư hàng đầu tại ĐH Southampton và Giám đốc Viện Zepler về quang tử và Trung tâm nghiên cứu quang điện tử. TS Emmanuel Desurvire (67 tuổi), là cố vấn khoa học tại Công ty nghiên cứu và công nghệ Thales (TRT), Pháp. Năm 1985, trong lĩnh vực sợi pha tạp đất hiếm, Payne đã lãnh đạo nhóm tại ĐH Southampton tập trung nghiên cứu và làm hồi sinh bước sóng viễn thông 55μm. Những báo cáo ban đầu từ nhóm Southampton này đã tạo động lực cho Desurvire, với tư cách là một chuyên gia về khuếch đại sợi quang học Raman khởi xướng nghiên cứu về bộ khuếch đại sợi pha tạp Erbium (EDFA) tại phòng thí nghiệm AT&T Bell. Năm 1987, các nhóm này đã xuất bản 3 bài báo đầu tiên về EDFA cho thấy rõ tiềm năng đáng chú ý của nó như một bộ khuếch đại tăng cường có độ lợi cao để sử dụng trong giai đoạn sớm của internet cáp quang. EDFA được nhiều người coi là một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong lĩnh vực viễn thông hiện đại.

Đây là một giải thưởng khoa học công nghệ thường niên của Quỹ VinFuture do tỉ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập, bắt đầu mùa trao giải đầu tiên năm 2021, với tham vọng đạt được tầm vóc toàn cầu. Tối qua, đến dự lễ trao giải thưởng có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về bối cảnh diễn ra lễ trao giải là “sự an toàn, thoải mái” do dịch Covid-19 gần như đã được kiểm soát hoàn toàn tại VN và nhiều nước trên thế giới. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự biết ơn các nhà khoa học đã phát triển công nghệ mRNA - nền tảng của vắc xin Covid-19, những người đã được trao giải thưởng chính VinFuture 2021.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình khi VinFuture năm nay chọn chủ đề “Tái thiết và Hồi sinh”, bởi đây chính là vấn đề cấp thiết mà thế giới phải đối mặt năm 2022 và nhiều năm tiếp theo. Đây cũng là chủ điểm phù hợp với thời kỳ “hậu Covid”, thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh “khoa học phụng sự nhân loại” của VinFuture.

Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho GS Thalappil Pradeep, Viện Công nghệ Ấn Độ Madras, với công trình phát triển hệ thống lọc nước chi phí thấp để loại bỏ asen khỏi nước ngầm.

Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nữ được trao cho GS Pamela C. Ronald, ĐH California, Berkeley, Mỹ, với công trình phân lập được gien lúa đặc hiệu (Sub1A) để tạo ra các giống lúa năng suất cao có khả năng chống chịu được ngập úng.

Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học mới tiên phong được trao cho 2 nhà khoa học Demis Hassabis và John Jumper, với công trình AlphaFold, một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán cấu trúc 3D của protein. TS Demis Hassabis là nhà đồng sáng lập và là CEO của Deepmind, John Jumper là nhà khoa học nghiên cứu cao cấp tại Deepmind.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.