Tái cấu trúc
* Từng là một doanh nghiệp đa ngành, qua giai đoạn khủng hoảng, Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) đã tái cấu trúc như thế nào, đặc biệt là các khoản nợ cũ?
- Cơ bản chúng tôi đã thoát ra khỏi những lĩnh vực ngoài ngành và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản công nghiệp. Đồng thời tái cấu trúc về tài chính đã giúp cho chúng tôi tái cấu trúc lại nợ và đã trả được một lượng lớn vốn vay cho ngân hàng. Nếu trong 5 năm, tổng dư nợ của chúng tôi giảm 60%, tức trả nợ được 60%, chủ yếu là do thoát khỏi đầu tư ngoài ngành và tập trung vào đầu tư khu công nghiệp (KCN) là thế mạnh lớn nhất. Việc tái cấu trúc rất thành công cả về chất và lượng giúp chúng tôi tập trung xây dựng mạnh về cơ sở hạ tầng KCN và thu hút mạnh về đầu tư nước ngoài. Hiện nay với quỹ đất KCN và đất nhà ở cạnh KCN đủ để chúng tôi tồn tại và phát triển 15 năm nữa!
* Vậy chiến lược kinh doanh trong thời gian tới có gì thay đổi không, thưa ông?
- Chắc chắn có. Chẳng hạn, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) hoạt động kinh doanh sắp tới sẽ có đột phá rất lớn, do tiếp thu ý kiến của các cổ đông lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế. Ví dụ, họ đề xuất KBC cần cân đối quyền lợi cổ đông trong ngắn hạn và dài hạn. Trước đây chủ yếu tập trung quyền lợi trong dài hạn khi tích lũy một lượng quá lớn tài sản là tài nguyên đất đai với chi phí rẻ và tập trung phát triển dần dần. Nhưng với một diện tích đất lớn nếu KBC tự phát triển thì phải rất nhiều năm mới hết và chỉ đem lại lợi nhuận nhỏ, khoảng 15%/năm. Nếu chia tài nguyên đất chúng tôi làm 3 phần: 50% để KBC tự phát triển; 25% liên doanh để xây dựng nhà xưởng và KCN hay nhà ở; 25% chuyển giao hoàn toàn trong 5 năm và giao hoàn toàn cho đối tác mới chủ động đầu tư xây dựng theo chuyên ngành mà họ có lợi thế, như vậy KBC chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng một mức độ tối thiểu, còn đối tác sẽ đầu tư vào chiều sâu và cho thuê giá cao hơn kiếm lời. Còn 25% KBC sẽ liên doanh liên kết với đối tác mạnh để khai thác nhằm lấy lợi thế của hai bên vì KBC có quỹ đất tốt và vị trí tốt; đối tác có nhiều tiền và có kinh nghiệm. Như vậy, KBC trong 5 năm tới sẽ có đột biến về doanh số và lợi nhuận, đồng thời các năm tiếp theo vẫn thu được số tiền lớn về nhà xưởng và các dịch vụ mới. Chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu KBC sẽ quay trở lại mức giá như trước đây. Đây cũng là bài học mà các doanh nghiệp bất động sản lớn quốc tế áp dụng.
Nhận trách nhiệm vụ ĐH Hùng Vương
* Là đại biểu Quốc hội khóa XII, mới đây khi ra tự tái ứng cử, ông lại bị loại ở lần hiệp thương thứ 3. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Tôi nhận được đơn thư khiếu nại của 25 nguyên cán bộ nhân viên Trường ĐH Hùng Vương. Đây là những người không đồng ý phương án tái cấu trúc trường (86 người ủng hộ phương án) và không ký hợp đồng với Công ty phát triển Trường ĐH Hùng Vương. Công ty này được các cổ đông ĐH Hùng Vương và cả ĐH Hùng Vương mở ra với một nhiệm vụ duy nhất là xây dựng cơ sở vật chất cho trường. Vì trả lương cho những cán bộ nhân viên giáo viên vẫn còn làm việc ở Trường ĐH Hùng Vương trong suốt 4 năm ngừng tuyển sinh khiến nguồn vốn thâm hụt trầm trọng vào vốn pháp định, nếu thâm hụt hơn nữa vốn pháp định theo luật thì sẽ không được hoạt động. Tôi bỏ vốn vào trường là bất vụ lợi, tôi không được lợi ích gì. Mâu thuẫn cũng không do tôi gây ra mà chủ yếu xuất phát từ thời Chủ tịch HĐQT Lương Ngọc Toản và Hiệu trưởng Lê Văn Lý. Hai bên mâu thuẫn quá thì có đến nhờ tôi và yêu cầu tôi nhận làm Chủ tịch HĐQT.
Tôi cũng nhiều lần đề nghị hiến tặng toàn bộ phần góp vốn của mình cho Thành ủy và UBND TP.HCM, vì Thành ủy mời tôi tham gia cứu trường vào năm 2004. Khi đó trường cũng đang có mâu thuẫn trầm trọng. Tuy vậy, bị loại ở vòng hiệp thương lần 3 với lý do bị hơn 20 người kiện liên quan đến Trường ĐH Hùng Vương là nỗi đau rất lớn đối với tôi. Xảy ra nông nỗi này là do không tạo được đoàn kết nội bộ mà có thời gian buông lỏng quản lý vì đã tin tưởng giao cho ông Lương Ngọc Toản và ông Lê Văn Lý. Nhưng dù có giao cho ai đi chăng nữa thì với trách nhiệm của người đứng đầu tôi cũng không thể chối bỏ. Tôi phải chịu trách nhiệm về việc này và qua đó cần phải quyết tâm lớn hơn để củng cố, xây dựng ĐH Hùng Vương.
* Qua vụ việc kéo dài ở ĐH Hùng Vương, ông mong muốn cơ quan quản lý, chính quyền hỗ trợ những gì?
- Tôi rất mong các cấp chính quyền ủng hộ để ĐH Hùng Vương hồi sinh. Xóa sổ một cái chợ, xóa sổ một nhà máy có thể được nhưng không nên xóa sổ một ngôi trường. Cho nên tôi cũng kêu gọi toàn thể HĐQT, Ban giám hiệu, các cơ quan đoàn thể của trường cùng toàn thể các cán bộ nhân viên giáo viên ĐH Hùng Vương hãy đoàn kết, bỏ qua những hiềm khích, những mâu thuẫn để cùng xây dựng ĐH Hùng Vương.
Bình luận (0)