Bà H. từng đi khám và nhập viện ở bệnh viện địa phương được 18 ngày với chẩn đoán viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và được cho xuất viện. Sau khi về nhà, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm nên bà H. tiếp tục đến cơ sở y tế khác và được cho toa thuốc về điều trị trong 12 ngày tiếp theo với chẩn đoán tương tự.
Sau 12 ngày, nhận thấy tình hình sức khỏe vẫn không cải thiện nên bà H. được con gái đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, sau đó được nhập viện điều trị tại khoa Nội của bệnh viện này.
Bệnh nhân hồi phục nhanh sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện |
BVCC |
Ngày 18.5, bác sĩ Phan Thanh Toàn, Trưởng Khoa Nội Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, cho biết đây là trường hợp phức tạp, nhiều triệu chứng, chưa được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Các xét nghiệm xác định bệnh nhân mắc thêm các bệnh cường giáp, suy tim, suy thượng thận mạn do thuốc, rối loạn giấc ngủ. Trong đó, hai vấn đề nổi trội, đáng lưu ý nhất là cường giáp và suy thượng thận.
Bệnh nhân đã biết mình mắc bệnh tuyến giáp trước đó hơn một năm và chưa được điều trị, lần này vào viện với bệnh cảnh cường giáp nặng, biến chứng suy tim. Tình trạng này nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới phù phổi cấp, suy hô hấp cấp, rung nhĩ kéo dài, nguy cơ tạo huyết khối trong tim gây lấp mạch não, dẫn đến đe dọa tính mạng.
Bà bị suy thượng thận mạn do dùng thuốc có chứa glucocorticoid trước đây với tình trạng nôn ói liên tục, chóng mặt, khó ngủ, mệt mỏi, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới cơn trụy tim mạch, tụt huyết áp, xuất huyết tiêu hóa hoặc hôn mê, ảnh hưởng tính mạng.
"Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục rõ rệt và ngoạn mục. Nếu tình trạng của bà H. nếu không được xử trí kịp thời, có thể dẫn tới phù phổi cấp, suy hô hấp cấp, rung nhĩ kéo dài nguy cơ tạo huyết khối trong tim gây lấp mạch não, dẫn đến đe dọa tính mạng", bác sĩ Toàn cho biết.
Chú ý các triệu chứng của bệnh để điều trị kịp thời
Theo bác sĩ Toàn, cường giáp và suy thượng thận mạn không hiếm gặp nhưng nhiều người bệnh không được chẩn đoán sớm. Lý do là triệu chứng của những bệnh này không đặc hiệu, nhất là ở giai đoạn sớm, dễ nhầm lẫn các bệnh khác, chẩn đoán chỉ được xác định khi khai thác kỹ bệnh sử, khám lâm sàng và phối hợp kết quả xét nghiệm. Việc bỏ sót bệnh cũng có thể do thầy thuốc lúc thăm khám không lấy đủ thông tin về bệnh sử hoặc khám thực thể từ người bệnh, từ đó không cho xét nghiệm đầy đủ để chẩn đoán.
Người bệnh cần chú ý đến các thay đổi của chính cơ thể trước khi bệnh đã ở giai đoạn muộn và nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe. Khi đến gặp bác sĩ, nên cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình bệnh và tiền sử bệnh để bác sĩ có đủ thông tin chẩn đoán. Những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh là phụ nữ, người lớn tuổi; có triệu chứng mệt mỏi, hồi hộp, nhịp tim nhanh, chán ăn, mất ngủ, khó thở, hay nôn ói; người nhiều bệnh nền, đã dùng nhiều loại thuốc; từng dùng kéo dài các loại thuốc có chứa glucocorticoid, thuốc nam, thuốc bắc...
Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa cường giáp và suy thượng thận mạn do thuốc, mọi người không nên dùng các loại thuốc không rõ loại hoặc thuốc không do bác sĩ chỉ định; nên khám sức khỏe định kỳ để xét nghiệm chẩn đoán bệnh kịp thời.
Bình luận (0)