“Đủ 11 tuổi nếu bị dâm ô thì phải chống trả, kêu cứu...”
Theo nội dung vụ án, từ đầu năm 2014 đến tháng 6.2014, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã thực hiện hành vi dâm ô đối với 2 trẻ em tại khu chung cư Lakeside (TP.Vũng Tàu).
Vụ thứ nhất, khoảng 8 giờ tối một ngày trong tháng 4.2014, cháu N.T.A.D (6 tuổi) được gia đình dẫn ra khu vực khuôn viên chung cư để chơi. Khi cháu D. đang chơi một mình, ông Thủy đã gọi đến nói chuyện rồi dùng tay sờ âm hộ của cháu. Sự việc được anh trai cháu D. thấy và nói lại với gia đình, báo bảo vệ chung cư.
Vụ thứ 2, khoảng chiều tối một ngày tháng 5.2014, tại một căn hộ trong chung cư Lakeside, khi cháu T.H.A (11 tuổi) ở nhà một mình và chơi gần cửa sổ, ông Thủy tới luồn tay qua cửa sổ xoa bụng, rồi xoa và sờ ngực, âm hộ của cháu A. Sự việc kéo dài khoảng 10 - 15 phút và bạn cháu A. đứng ở lan can cách ông Thủy 20 m nhìn thấy.
Xử sơ thẩm, ông Thủy khai có quen và thân thiết với cháu A., thường xuyên gặp xoa đầu, vỗ vai cháu; còn cháu D. thì không quen biết. Bị cáo phủ nhận toàn bộ lời khai của 2 cháu bé về hành vi dâm ô. TAND TP.Bà Rịa-Vũng Tàu dựa vào lời khai của bị hại, người làm chứng, biên bản đối chất, biên bản thực nghiệm hiện trường điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác tuyên bị cáo Thủy 3 năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em, thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần, nhiều trẻ em.
Ngày 11.5, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm nhận định tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội đối với cháu A., bị hại đã đủ 11 tuổi, phát triển bình thường, học giỏi, nếu bị xâm hại từ Thủy thì cháu A. phải có hành vi chống trả, vùng vẫy, kêu cứu chứ không để trong một khoảng thời gian từ 10 - 15 phút được. Từ đó, cấp phúc thẩm đồng ý kháng cáo kêu oan của bị cáo Thủy trong hành vi dâm ô cháu A; áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như: người phạm tội là người già, người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, là đảng viên, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu... để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo xuống còn 18 tháng tù và cho hưởng án treo.
Không có quy định giảm án cho đảng viên !
Ngay sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, dư luận đã rất bức xúc về bản án được cho là quá nhẹ và đặc biệt việc HĐXX lấy tình tiết “bị cáo là đảng viên” để giảm án cho bị cáo. Theo tìm hiểu của PV, tòa phúc thẩm đã áp dụng khoản 2 điều 46 bộ luật Hình sự 1999 (cấp sơ thẩm không áp dụng - PV) về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, rằng “khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”, để đưa vào vận dụng tình tiết bị cáo Thủy là đảng viên... Bình luận về điều này, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Đình Trung cho biết các tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 điều 46 bộ luật Hình sự năm 1999 đã được hướng dẫn rõ tại mục 5 Nghị quyết 01/2000 của HĐTP TAND tối cao. “Trong mục 5 này không hề có hướng dẫn đảng viên thì được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, ông Trung nhấn mạnh.
Không đi sâu vào khía cạnh luật pháp, luật sư (LS) Trần Mạnh Hùng, Đoàn LS TP.Hà Nội, cho rằng ở góc độ đạo đức và xã hội thì “Đã là đảng viên mà phạm tội thì càng phải xử thật nghiêm”. “Anh là đảng viên thì anh phải gương mẫu. Đảng viên khi vi phạm hoặc phạm tội càng phải xử lý nghiêm hơn dân thường. Chúng ta vẫn nghe câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chứ không ai lấy tình tiết đảng viên để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo”, LS Hùng nêu quan điểm.
LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhấn mạnh hành vi xâm hại tình dục trẻ em dù ở thời điểm nào cũng đều bị xã hội lên án cả về mặt đạo đức và về mặt luật pháp, nên đáng bị coi là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Do đó, điều tất yếu phải cách ly bị cáo vi phạm ra khỏi xã hội trong một thời gian, tùy hành vi phạm tội. “Một số nước tiên tiến trên thế giới, chỉ cần có ý tưởng để thực hiện hành vi dâm ô, hiếp dâm thì đã bị cách ly khỏi xã hội và phạt tù ngay... Pháp luật của chúng ta, để chứng minh được hành vi dâm ô, hiếp dâm đối với trẻ em đã khó vì chúng ta trọng chứng hơn trọng cung nhưng khi có cơ sở kết tội lại cho hưởng án treo. Cái sai ở đây là người nhân danh pháp luật đã đưa ra mức hình phạt không thỏa đáng, không đúng với các quy định, hướng dẫn ban hành”, LS Nữ nói.
Kháng nghị giám đốc thẩm
Liên quan đến bản án và phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em, không chỉ dư luận xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH... cũng đã lên tiếng yêu cầu xem xét lại. Ngày 17.5, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Một trong những lý do đề nghị xét xử giám đốc thẩm, TAND cấp cao phân tích cấp phúc thẩm cho bị cáo Thủy hưởng án treo trong trường hợp này là áp dụng không đúng quy định tại điểm b khoản 3 điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP của TAND tối cao, khi nghị quyết này nêu rõ: Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án. “Việc đưa ra kháng nghị là trên cơ sở xem xét thấy có sai lầm chứ chúng tôi không phải chạy theo dư luận”, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND tối cao, khẳng định.
Cùng ngày 17.5, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ xét xử của thẩm phán đối với với ông Huỳnh Ngọc Thiện. Lý do đình chỉ là để kiểm điểm trách nhiệm thẩm phán Thiện vì việc xét xử của thẩm phán đã gây làn sóng không tốt trong dư luận.
|
Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, trong 5 năm 2012 - 2016 cả nước xảy ra hơn 6.686 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 8.900 đối tượng, xâm hại 8.146 em. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, có nhiều diễn biến phức tạp, đang có xu hướng gia tăng và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 - 15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%...
|
Bình luận (0)