Ở trung tâm Nha Trang hiện nay, đặc biệt là những tuyến phố chính nằm ven biển - nơi có nhiều cao ốc và khách sạn lớn, nạn kẹt xe lẫn “kẹt người” không còn là chuyện hiếm gặp như cách nay 10 - 15 năm nữa. Chính quyền thành phố Nha Trang cũng như tỉnh Khánh Hòa đã tìm nhiều giải pháp để giảm áp lực vào những giờ cao điểm như phân luồng một chiều ở các tuyến phố chính, hạn chế hoặc phân theo giờ đối với các loại phương tiện chở khách trên 50 chỗ, đấu nối nhiều tuyến đường vào sân bay Nha Trang cũ… Tuy nhiên, áp lực về nạn kẹt xe và mức độ bức bí ngày càng tăng theo đà tăng trưởng của du lịch.
Hình thành các khu dân cư ở ngoại ô
Đến Nha Trang hiện nay, cảm giác đập vào mắt du khách trước tiên là những cao ốc chọc trời, nhưng chỉ tập trung loanh quanh các tuyến phố sát biển như Trần Phú, Biệt Thự, Trần Quang Khải, Hùng Vương… Mỗi cao ốc như thế chứa trong lòng nó hàng trăm căn hộ, lúc nào cũng kín người. Thử tưởng tượng tất cả số người sống trong những căn hộ ở các cao ốc ấy, hoặc ở trong các khách sạn cao tầng ấy, nếu có một sự cố nào đó mà cùng lúc đổ ra đường thì sẽ không còn chút không gian nào để thở chứ đừng nói đến chuyện dịch chuyển.
|
Sau một thời gian tập trung hình thành các cao ốc ở phía biển trong khi hạ tầng đường sá thì vẫn không thể mở rộng, áp lực quá tải đã xuất hiện. Trước hết là nạn kẹt xe, lúc đầu thì vào những giờ cao điểm, hiện nay thì mức độ kẹt xe xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn. Các nhà quản lý ở Khánh Hòa bắt đầu tìm giải pháp. Bên cạnh những giải pháp vừa nêu trên đây thì việc hình thành hàng loạt các khu dân cư, các khu đô thị mới ở ngoại ô như Vĩnh Điềm Trung, Phước Hải, Phước Long, Lê Hồng Phong 1, Lê Hồng Phong 2, Mỹ Gia… được xem như giải pháp có tính căn cơ hơn cả.
Thế nhưng, do lịch sử để lại, khu hành chính của tỉnh, các trụ sở ban, ngành, các trường học, bệnh viện đa phần đều ở khu trung tâm Nha Trang, nhất là khu vực ven biển nên dù có ở ngoại ô thì đến giờ làm việc, người đi làm vẫn đổ về nội thị. Giá đất ở các đường phố thuộc trung tâm Nha Trang tăng phi mã những năm gần đây. Người dân bắt đầu dạt ra vùng ngoại ô để định cư ở các khu đô thị mới. Tuy nhiên, hiện nay, các khu vực này dù vừa mới hình thành nhưng cũng đã “có chủ”. Cơ hội để sở hữu một mảnh đất “vừa túi tiền” ở các khu đô thị phía tây và tây bắc Nha Trang gần như rất khó khả thi đối với nhiều người dân Nha Trang hoặc những ai muốn định cư ở thành phố này nhưng tiền bạc không được dư dả. Vậy chọn hướng nào để vừa có thể định cư lâu dài ở một thành phố mà mình yêu mến như Nha Trang nhưng không quá đắt đỏ để có thể sở hữu một ngôi nhà?
Dịch chuyển ra phía bắc thành phố
Có lẽ đây là hướng mà các nhà đầu tư bất động sản đang chọn lựa. Đây cũng là điều mà các nhà quản lý ở Khánh Hòa đã gợi mở từ nhiều năm nay. Không phải đợi đến khi Nha Trang lên cơn sốt đất như vài ba năm trở lại đây, các nhà quản lý địa phương này mới nghĩ đến việc dịch chuyển dân ra hướng bắc. Bằng chứng là khu dân cư Vĩnh Hòa được hình thành từ việc lấn biển cách đây hơn 10 năm. Từ khi bến du thuyền quốc tế được hình thành, các cao ốc chọc trời cũng bắt đầu xuất hiện, đất khu Hòn Sện tăng từng ngày.
Các nhà đầu tư bất động sản đã nhìn thấy lối thoát cho mình khi đầu tư vào khu vực này. Mới đây, khu nhà ở gia đình quân đội thuộc phường Vĩnh Hòa với diện tích 3,3 ha đã hình thành là một cơ hội tốt cho những gia đình có thu nhập không cao có thể sở hữu một mảnh đất để làm nhà. Ông Phạm Ngọc Vũ, Tổng giám đốc sàn giao dịch bất động sản Đất Phố, nhận xét: “Khác với nhiều khu dân cư là “góp vốn hợp tác” hoặc “mua đất nhưng chỉ thấy trên giấy tờ”, khu dân cư này đã hoàn chỉnh hạ tầng, làm nhà là có ngay sổ đỏ”.
Một khu dân cư dăm ba héc ta không thể giải quyết được áp lực bức bí cho Nha Trang nhưng dẫu sao nó cũng hé mở một hướng đi để cả nhà quản lý lẫn người dân lựa chọn.
Bình luận (0)