Giảm bậc, giá điện vẫn tăng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/10/2022 06:31 GMT+7

Giá điện sinh hoạt dự kiến rút gọn còn 5 hoặc thậm chí 4 bậc thay vì 6 như hiện nay theo đề án của Bộ Công thương. Tính toán cho thấy giá điện bình quân sẽ tăng dù giảm bậc thang giá.

Hộ dùng trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả nhiều tiền hơn

Bộ Công thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về biểu giá điện sinh hoạt mới do biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện tại được áp dụng từ 2014, chia 6 bậc thang, đang bộc lộ bất hợp lý.

Trong đề xuất mới, Bộ Công thương dự kiến rút xuống còn 5 bậc (rút gọn bậc 1 và 2 thành 1 bậc). Theo đó, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và cao nhất 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng. Phương án 5 bậc mới sẽ gom chỉ số điện bậc 1 và 2 thành 1.

Điều chúng ta cần là thị trường mua bán điện giảm độc quyền. Lúc đó, giá điện bán theo bao nhiêu bậc tùy vào thỏa thuận giữa bên bán và bên mua.

TS Nguyễn Quốc Việt

Theo Bộ Công thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Tuy nhiên, với một hộ sử dụng điện sinh hoạt dưới 270 kWh/tháng, với quy định hiện hành sẽ tính theo bậc 4, nhưng ở phương án đề xuất sẽ theo bậc 3 (với mức giá cao hơn). Do đó, tiền điện tăng thêm bình quân khoảng 2,32% và mức tăng tối đa gần 4,5% so với hiện nay. Ngược lại, hộ sử dụng từ 280 - 1.100 kWh lại giảm tiền điện trung bình khoảng 2,47% và mức giảm nhiều nhất là 4,82%. Còn các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên sẽ chịu tiền điện tăng bình quân 3,87%.

Bộ Công thương đánh giá đề án lần này sẽ phản ánh chi phí, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng. Đặc biệt, cơ cấu giá điện hiện nay chỉ có một thành phần cho tất cả hộ tiêu dùng, nên dẫn tới việc giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho khối sản xuất là khu vực sử dụng nhiều điện năng, để cân bằng doanh thu. Với biểu giá mới, Bộ Công thương cho rằng sẽ dần xóa được việc bù chéo như nói trên.

Ngoài phương án 5 bậc, Bộ Công thương cũng đưa ra phương án tính giá điện theo 4 bậc theo hướng tăng giá điện bậc 2 và bậc 3. Cụ thể, bậc 1 (0 - 100 kWh) là 1.678 đồng, bậc 2 (101 - 300 kWh) là 2.163 đồng, bậc 3 (301 - 700 kWh) là 2.927 đồng và bậc 4 (từ 701 kWh trở lên) là 2.076 đồng. Phương án này nhằm đảm bảo ổn định cho hộ nghèo, hộ chính sách sử dụng điện ít và ngân sách nhà nước không thay đổi. Tuy nhiên, theo Bộ, nếu áp dụng 4 bậc, hộ sử dụng 119 - 232 kWh/tháng và trên 806 kWh/tháng sẽ tăng tiền điện tối đa hơn 12.000 đồng và không có tác dụng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến biểu giá điện sinh hoạt mới giảm từ 6 xuống 5 hoặc 4 bậc

Nhật Thịnh

Tính bình quân đầu người hay theo hộ ?

GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, cho rằng các thang giá điện thay đổi thế nào cũng phải bảo đảm khoảng cách tăng giữa các bậc hợp lý, không chênh lệch quá lớn gây lo lắng cho người tiêu dùng. Thứ 2, muốn chia thành 5 bậc thì bậc 3 tương ứng mức tiêu thụ trung bình của toàn quốc chưa?

“Theo tôi, mức trung bình 201 - 400 kWh/tháng chưa là mức tiêu thụ điện trung bình của một hộ gia đình theo nhu cầu hiện nay. Thế nên, để việc tính giá điện hiệu quả và chính xác, bảo đảm công bằng hơn, nên tính mức điện tiêu thụ theo đầu người, thay vì theo hộ. Bởi trong thực tế sẽ có hộ đông người, hộ ít người. Có hộ trên chục người, nhưng cũng có hộ chỉ 1 - 2 người. Tính giá điện theo bậc thang lại áp theo hộ sẽ rất thiệt thòi cho hộ gia đình đông con. Hơn nữa, biểu giá điện tính theo bậc thang mới tuy giảm số bậc từ 6 xuống 5 bậc, nhưng giá tăng đều từ bậc 2 trở lên sẽ khiến người tiêu dùng bị sốc nếu hộ gia đình có từ 4 thành viên trở lên”, GS Trần Đình Long phân tích.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, lại cho rằng: “Vấn đề của giá điện liên quan thị trường mua bán điện cởi mở, có cạnh tranh hơn mới quan trọng. Nếu theo cơ chế thị trường, đầu vào và đầu ra rõ ràng hơn, thị trường có thể mua bán điện dễ dàng hơn, chứ mọi điều chỉnh và quy hoạch vẫn nặng tính độc quyền hay can thiệp của nhà nước thì vấn đề công bằng của giá điện bán ra chỉ mang tính chất tương đối, thậm chí đôi khi là bất hợp lý. Chẳng hạn như cách tính khoán theo hộ, chứ không theo đầu người. Bên cạnh đó, các chính sách và khuôn khổ pháp lý liên quan năng lượng tái tạo - lĩnh vực VN đang khuyến khích - đang rơi vào tình thế như tiến thoái lưỡng nan. Những bất cập và chậm của chính sách khiến nhà đầu tư kêu trời, ngay chính Tập đoàn Điện lực VN cũng lúng túng xử lý nhưng chưa giải được”.

“Sản xuất điện vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu hóa thạch, nhập khẩu… Trong khi đó, việc tính toán và công bố giá đầu vào vẫn còn mang nặng yếu tố hành chính, chưa đảm bảo các yếu tố thị trường như tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như sự tự do thỏa thuận của các bên mua và bán khiến nỗ lực thay đổi thang bậc giá điện, tính toán phù hợp giá thị trường, nhu cầu tiêu thụ… chỉ mang tính tương đối”, ông Việt nhấn mạnh.

Ban hành phương pháp xây dựng khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp mới

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 15/2022 (có hiệu lực từ ngày 21.11.2022) quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1.1.2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1.11.2021 có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Từ đó, EVN được quyền thuê tư vấn thực hiện lựa chọn bộ thông số, tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời chuẩn theo quy định tại điều 4, 5 và 6 thông tư này và nhà máy điện gió chuẩn theo quy định tại điều 7, 8 và 9 thông tư này. Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi thông tư có hiệu lực, EVN có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển theo quy định tại điều 11 và gửi Cục Điều tiết điện lực thẩm định. Các trình tự thẩm định khung giá phát điện sẽ theo quy định tại điều 11 và Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thẩm định khung giá phát điện theo phương pháp quy định. Nếu cần thiết, đơn vị này có thể tổ chức lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập hoặc lấy ý kiến đối với khung giá thông qua hội đồng tư vấn do Bộ Công thương quyết định thành lập. Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt khung giá phát điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.