Bệnh nhân khó khăn vì phải ra ngoài mua thuốc
Đề cập tình trạng người dân đi khám, chữa bệnh (KCB) theo diện BHYT nhưng phải tự ra ngoài mua thuốc, nhiều ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, phối hợp với cơ quan BHYT có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo; đồng thời cho rằng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại tiền.
Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết về nguyên tắc, các cơ sở KCB phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải ra ngoài mua, bởi việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng, giá cả, an toàn và tranh chấp khi có rủi ro. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời gian qua xảy ra tình trạng thiếu thuốc, khiến người bệnh phải mua bên ngoài. Thực tế là vậy, nhưng hiện nay lại chưa có quy định về việc thanh toán cho bệnh nhân thuộc trường hợp vừa nêu.
Để khắc phục, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở KCB đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế; nghiên cứu cơ chế điều chuyển thuốc với nhau; đồng thời rà soát, bổ sung danh mục thuốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đặc biệt, Bộ Y tế đã giao Vụ BHYT xây dựng thông tư liên quan đến cơ chế thanh toán cho người bệnh, sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới. Các quy định tại thông tư được xây dựng chặt chẽ, tránh việc lạm dụng đẩy người bệnh phải ra ngoài mua thuốc.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phản ánh tỷ lệ người dân phải bỏ tiền túi khi sử dụng dịch vụ y tế đang rất cao, trên 40%. ĐB đề nghị Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB-XH đưa ra giải pháp để giảm tỷ lệ này, bởi "người dân phải tiêu quá nhiều tiền túi vào dịch vụ y tế là không thể chấp nhận được".
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện có nhiều biến đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng. Xuất phát từ nhận thức, nhiều bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn, khiến chi phí điều trị cao mà hiệu quả lại kém. Để giảm chi phí từ tiền túi của người dân, bà Đào Hồng Lan cho rằng phải chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật một cách bền vững, thông qua tăng cường công tác sàng lọc, phát hiện bệnh sớm; nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe; có mô hình tài chính bền vững; tăng độ bao phủ của các chính sách BHYT…
Nhức nhối bạo lực học đường
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, dẫn lại số liệu bình quân một năm học xảy ra hơn 1.500 vụ việc học sinh đánh nhau, cứ 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau và 9 trường thì 1 trường có học sinh đánh nhau, ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nói đây là những con số "nhức nhối và nhói đau". Bà đề nghị sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn bạo lực học đường, riêng Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung dạy văn hóa ứng xử và đạo đức học đường vào môn học chính khóa và ngoại khóa, từ cấp mầm non đến tiểu học, trung học.
Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu một số giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường. Về phía học sinh, các em sẽ được tăng cường kỹ năng sống để xử lý khi các yếu tố bạo lực học đường phát sinh. "Nhiều em rất ngần ngại khi cần phải thông tin, cần phải trao đổi và lúng túng trong xử lý", ông Sơn nói.
Về phía giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh tập huấn cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm về kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh do mình phụ trách. Tới đây, các trường sẽ có thêm vị trí chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường, đồng thời bổ sung nhân sự đảm nhiệm vị trí giáo vụ, nhằm hỗ trợ trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.
Vẫn theo Bộ trưởng GD-ĐT, ngoài nỗ lực từ phía nhà trường, sự phối hợp của gia đình cũng rất quan trọng. Phụ huynh phải tự tăng cường khả năng để xử lý những vấn đề bạo lực học đường phát sinh đối với con em của mình.
Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng ngoài công tác giáo dục, bồi dưỡng văn hóa, đạo đức học đường, một vấn đề mấu chốt khác cần phải nhận diện, đó là sự đứt gãy của các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Theo ông, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là câu chuyện của ngành giáo dục mà còn cả ngành văn hóa. "Cần có giải pháp để duy trì, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, đồng thời định hướng, thúc đẩy hình thành hệ giá trị đạo đức văn hóa mới. Giải pháp đó như thế nào, tôi xin gửi đến Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL", ông Tám nói.
Đề xuất nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất
Chiều 8.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sẽ phải đặt tiền trước tối thiểu là 10% thay vì 5% như các tài sản thông thường.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay đề xuất trên của cơ quan soạn thảo nhận được 2 luồng ý kiến. Một số cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Ngược lại, số khác thì nhận định quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Nhóm ý kiến này đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
Đáng chú ý, có ý kiến còn đề nghị quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản, ví dụ phạt tiền bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.
Bình luận (0)