Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nội dung trọng tâm của sửa đổi 2 luật này tập trung vào việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và chính quyền địa phương theo hướng phân cấp mạnh; đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay. Đơn cử như lĩnh vực đất đai hiện nay có đến 3 cấp chính quyền cùng quản lý.
Việc sửa luật lần này cũng nhằm sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cũng như việc thí điểm hợp nhất, nhất thể hóa một số đơn vị.
Giảm cấp phó ở cơ quan hành chính
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, theo dự kiến, luật Tổ chức Chính phủ sẽ sửa 3 nội dung chính liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của bộ trưởng. Dự kiến, luật sẽ được sửa theo hướng chuyển thẩm quyền của Thủ tướng về quyết định tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện sang Chính phủ; chuyển thẩm quyền của Chính phủ về quyết định tổng biên chế sang Thủ tướng; chuyển nhiệm vụ của bộ trưởng về thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành sang thẩm quyền của Thủ tướng.
Về tổ chức chính quyền địa phương, 4 điểm chính được sửa đổi, bao gồm: cơ chế ủy quyền; nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND các cấp; cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp; thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính. “Quan điểm chung là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 xuống 1, vì cấp phó mà cần càng nhiều thì chứng tỏ cấp trưởng yếu và ngược lại”, ông Tuấn nói và lấy ví dụ ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có 1 cấp phó.
HĐND hoạt động quá hình thức
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là cơ cấu tổ chức và vai trò của HĐND. Dự thảo luật dự kiến cắt giảm số đại biểu HĐND các cấp cho tinh gọn, nhưng vấn đề là giảm bao nhiêu? Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng hiện nay HĐND đông nhưng không mạnh. “Tư tưởng ban đầu cơ cấu đại biểu HĐND nhiều để nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động, nhưng thực tế thì không phải. Khi văn bản, các đề án, báo cáo do UBND tỉnh ban hành ra thì những đại biểu ở các cơ quan hành chính nhà nước rất ít tham gia phát biểu mang tính phản biện. Hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND ở cơ quan quản lý nhà nước rất hạn chế”, ông Luyến dẫn chứng.
Ông Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng xưa nay dư luận vẫn nói HĐND hoạt động quá hình thức và cá nhân ông thấy hình thức thật. “Chúng ta quy định tất cả thành viên của UBND đều là đại biểu HĐND, thì các ông giám đốc sở có dám chất vấn chủ tịch tỉnh không? Vướng là vướng ở chỗ này, do quy định của chúng ta”, ông Thái nói.
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, cũng ủng hộ quan điểm nên mạnh dạn trong việc thiết kế bộ máy, tổ chức của HĐND. Bên cạnh đó, theo GS Khiển, cần hạn chế tối đa việc bộ trưởng, chủ tịch UBND là đại biểu Quốc hội, vì “vào Quốc hội hết lấy ai chất vấn? Thực tế là mấy ông chủ tịch, mấy ông bí thư và mấy ông bộ trưởng không bao giờ chất vấn nhau”.
Chưa chú ý giảm đơn vị sự nghiệp
Liên quan đến tinh gọn bộ máy, GS-TS Nguyễn Hữu Khiển cho rằng Bộ Nội vụ chưa chú ý đến các đơn vị sự nghiệp công lập và chừng nào còn chưa chú ý đến mảng này sẽ không thể nào giảm biên chế. Nêu thực trạng các đơn vị sự nghiệp tại các bộ đều quá cồng kềnh, đơn cử Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB-XH có tới 30 trường... GS Khiển cho rằng đây là khu vực làm phình lớn bộ máy và tiềm ẩn nguy cơ về tiêu cực. “Nhưng hình như các vị bộ trưởng không ai nói rằng bộ tôi có nhiều đơn vị sự nghiệp quá. Nhiều biên chế sẽ sinh ra sở, trong đó có cả Sở Nội vụ, để quản lý biên chế, rồi nọ kia. Đàng hoàng thì không sao, còn không thì tiêu cực sinh ra từ đó”, GS Nguyễn Hữu Khiển nói.
|
Bình luận (0)