Giám đốc Công an Hà Nội 'bêu tên' 5 cụm chung cư đã chuyển VKS xem xét khởi tố

Vũ Hân
Vũ Hân
09/07/2019 17:40 GMT+7

Trả lời chất vấn của đại biểu Duy Hoàng Dương chiều 9.7, Giám đốc Công an TP.Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, Công an thành phố đã chuyển 5 công trình vi phạm sang VKS đánh giá chứng cứ, cân nhắc khởi tố vụ án .

Đó là các tòa chung cư CT4, CT5A, CT5B, CT6, CT1 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); chung cư CT3A Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm), nhiều hộ gia đình tại 76 Cự Lộc (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và dự án 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông).
Theo ông Đoàn Duy Khương, “các công trình này có sai phạm rất nghiêm trọng, nhiều công trình chúng tôi thấy rằng không thể khắc phục về giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) được nên phải chuyển”. Tuy nhiên, ông Khương cũng cho biết: “Chúng tôi còn đang đánh giá chứng cứ, chứ chưa hẳn chuyển sang là khởi tố ngay”.
Cũng tại buổi chất vấn này, Trưởng ban Pháp chế của HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam chất vấn về việc đã nhiều kỳ họp gần đây, HĐND thành phố chất vấn về công tác PCCC nhưng vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, chết nhiều người, như vụ cháy nhà xưởng ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) làm chết 8 người.
Ông Nam đặc biệt nêu tình trạng hơn 1.100 chung cư cũ mà Hà Nội đang phải “sống chung”. “Chúng tôi đi giám sát thì tầng 1 là kinh doanh lấn chiếm hết, cầu thang cũng bị lấn chiếm, ô thoát nạn bịt hết, không chuông báo động, không bình chữa cháy, hoặc có cũng không sử dụng được. Tình trạng một loạt chung cư cũ tiếp tục làm chuồng cọp đua ra 2, 3 m, thậm chí 4 m rất nguy hiểm, vẫn phổ biến. Chúng ta có giải pháp gì, làm sao khẳng định với thành phố rằng nếu xảy ra cháy thì các tòa nhà đó không sập và không xảy ra chết nhiều người? Chúng tôi chỉ mong có thế thôi”, ông Nam nói.
Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Duy Khương cho biết, đối với chung cư cũ, giải pháp quan trọng nhất là kinh phí và cơ chế cho sửa chữa. “Thành ủy, UBND thành phố đã đặt ra vấn đề từ nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên, còn đang có cái khó mà tôi cho là cơ chế và kinh phí là 2 nguyên nhân rất quan trọng. Tôi mạnh dạn đề xuất vậy thôi, quyền quyết định là của UBND thành phố”, ông Khương bày tỏ.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận, một trong những cái khó của thành phố là 1.579 tòa nhà xây dựng từ những năm 1960, không hề có hệ thống PCCC. Các tòa nhà này, ngân sách thành phố sẽ phải cân đối để sửa chữa.
Với các dự án mới, nếu các doanh nghiệp không bổ sung đảm bảo an toàn PCCC, thì dứt khoát khi Công an thành phố có văn bản, UBND thành phố sẽ không cấp dự án mới và không điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.