Hai ngày dầm mưa, di chuyển liên tục nhiều địa điểm, giọng giám đốc Việt khàn đi. Tối muộn ngày 11.9, giám đốc Việt và các thành viên trong công ty vẫn đang dùng Drone đưa thức ăn đến người dân Tuyên Quang đang bị cô lập bởi lũ, nước ngập sâu.
"Hôm trước ở Thái Nguyên, chúng tôi làm liên tục từ sáng cho đến 12 giờ đêm", anh Việt nói.
"Toàn công ty... lên đường"
Sau khi bão Yagi đổ bộ, hoàn lưu bão ảnh gây lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang… Anh Việt đọc nhiều thông tin trên các hội nhóm cầu cứu xuồng, phao, nhân lực đi giúp đỡ bà con bị mắc kẹt. Nhận thấy công ty có đủ điều kiện, anh Việt cùng gần 20 nhân viên mang theo hơn 10 Drone đến Thái Nguyên.
Công ty Việt Flycam của anh chuyên cung cấp dịch vụ máy bay không người lái trong nước và nước ngoài. Dịch vụ gồm nhiều phần liên quan đến Drone như khảo sát địa hình 3D, quay phim chụp hình trên cao, scan 3D… chủ yếu liên quan đến xây dựng, phim ảnh. Công ty còn có một số lượng rất lớn Drone với nhiều loại có thể chịu tải từ 2 kg, 7 kg và 50 kg.
Tất cả thành viên trong công ty xung phong vào vùng lũ đều là "dân chiến đấu", chuyên đi khảo sát công trường nên có sức dẻo dai, không ngại thời tiết nắng mưa. "Thật lòng tôi không có kinh nghiệm làm việc này, chưa biết có giúp được gì hay không nhưng cứ cầm hết thiết bị đi và sẽ làm hết sức trong khả năng", anh Việt nói.
Drone với lợi thế có thể tiếp cận được điểm bị cô lập nhanh, nhìn trên cao khảo sát được địa hình, thế đất… để cung cấp cho đội cứu trợ đi xuống vào bên trong dễ dàng. Sau khi dùng một Drone khảo sát tình hình. Anh Việt cho một loại Drone có cảm biến nhiệt kiểm tra bên trong nhà có người hay không. Nếu có, anh tiếp tục dùng một chiếc khác chuyển thức ăn vào khu vực ca nô không thể vào.
Tất cả các máy bay được trang bị hệ thống gắp nhả đồ. Phi công dùng camera và định vị lái tới các khu vực cần thả, cố gắng thả vào sân hoặc chỗ khô ráo, dễ nhận đồ. Nhóm của anh thả thực phẩm từ độ cao 20 - 80 m tùy địa hình. Tránh hạ cánh xuống thấp vì có thể gây nguy hiểm cho cả máy bay và người dân phía dưới.
Do các điểm cô lập bị chia cắt, anh Việt dùng loại Drone tải được 7 kg thực phẩm, giúp mọi người trong bán kính khoảng 7 km. Thời gian mỗi chuyến chỉ mất 2 – 3 phút.
"Người dân và các chiến sĩ công an, bộ đội địa phương giúp phân loại hàng hóa đặt sẵn vào các túi để chuyển vào, chuyển được 25 - 30 gói hàng/giờ. Chúng tôi làm kiểu công nghiệp, ưu tiên nhanh gọn, giúp được nhiều người nhất có thể", anh Việt nói.
Mừng rỡ khi thấy ánh sáng trong không trung
Trong điều kiện thời tiết xấu, các Drone đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Hôm sau, công ty anh Việt tiếp tục đến Tuyên Quang, nơi nhà dân ngập sâu hơn cả Thái Nguyên. Đường sá cũng bị chia cắt bởi lũ nên nhóm của anh chỉ đứng ở phía rìa ngoài thành phố để hỗ trợ bà con bị cô lập bên trong và các khu vực lân cận.
CLIP: Cũng là vận chuyển thực phẩm cứu trợ, nhưng Drone làm nhanh hơn, an toàn
Trong lúc làm việc, nhìn vào màn hình điều khiển, anh Việt và các thành viên vẫn nhớ nhất là khoảnh khắc thấy được ánh sáng đèn pin rọi vào không trung giữa đêm khuya cầu cứu. Drone tiếp cận, mọi người không khỏi xót xa khi thấy người dân đang lọt thỏm giữa một cánh đồng mênh mông nước.
Nguyễn Việt Dũng nhân viên trong công ty đang trên đường đi TX. Sa Pa cho biết: "Hôm nay đoàn có nhận thêm một Drone từ TP.HCM ra để hỗ trợ bà con. Hiện tại công ty chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 4 người di chuyển đến nhiều điểm, mọi công việc, dự án với khách đang tạm hoãn để dồn lực đến vùng lũ lụt".
Dù đã đưa hàng trăm gói thực phẩm đến mọi người một cách nhanh chóng nhưng anh Việt vẫn khiêm tốn cho rằng công sức của mình và các nhân viên chẳng thấm thía vào đâu.
"Thực tế lũ ảnh hưởng đến quá nhiều người. Nhiều lúc chúng tôi thấy bất lực, không biết nên làm gì tiếp theo, làm gì là đúng nhất. Nhưng các anh em trong công ty bảo nhau ráng làm hết sức có thể", anh Việt nói, giữa lúc đang chuẩn bị lên đường đến Lào Cai, sáng 12.9 – nơi đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất khiến nhiều người tử vong.
Bình luận (0)